ĐH Trà Vinh đào tạo logistics theo hình thức CO-OP

0
2093

Tiềm năng của ngành Logistics rất lớn

Logistics là một lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mới, đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế. Với chuỗi các hoạt động của logistics từ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa, sẽ mở ra cho sinh viên hàng ngàn cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, các công ty vận tải hàng hóa lớn nhỏ, và xuất nhập khẩu.

 Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/ năm. Tính đến hết tháng 03/2018, cả nước có đến 296.469 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực logistics, trong đó có hơn 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics,… Năm 2018, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra về Chỉ số hoạt động Logistics (LPI) do Ngân hàng thế giới (World Bank) công bố. Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, và chỉ xếp thứ 3 sau Singapore và Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á. Cùng với mức tăng trưởng của nền kinh tế, sự bùng nổ của thương mại điện tử thời 4.0 đang phát triển sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất có thêm nhiều kênh phân phối hàng hóa nội địa và quốc tế, đưa sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng.

Riêng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hằng năm có đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thuỷ sản, và tổng nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất – nhập khẩu của vùng khoảng 19 – 20 triệu tấn. Theo kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vùng ĐBSCL năm 2019, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều thuê ngoài dịch vụ logistics. Trong đó, các dịch vụ logistics truyền thống như vận tải (quốc tế và nội địa), dịch vụ giao nhận, kho bãi và lưu trữ hàng hóa và khai hải quan được thuê ngoài nhiều nhất (từ 50 – 99% doanh nghiệp được hỏi). Tuy nhiên, hơn 70% hàng hoá xuất khẩu này phải chuyển tải về bằng đường bộ hay xà-lan lên các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đó mới có thể xếp lên tàu đi ra Miền Trung, Miền Bắc hoặc đi các cảng quốc tế, làm cho các doanh nghiệp phải gánh nặng chi phí cao hơn 10 – 40% tuỳ từng tuyến.

Bởi lẽ đó, tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL đã được qui hoạch sẽ có thêm 01 Trung tâm Logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030. Song song đó, đề án xây dựng cảng biển nước sâu ở ĐBSCL đang được triển khai thực hiện, trong đó dự án cảng biển Trung tâm điện lực Duyên Hải tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT và luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (Kênh Quan Chánh Bố) ở Trà Vinh cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn, và Khu công nghiệp – dịch vụ đô thị trong khu kinh tế Định An (giai đoạn 1), đến năm 2025 cơ bản hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế để thu hút đầu tư dự án Khu công nghiệp – Dịch vụ đô thị này.

ĐH Trà Vinh đào tạo nguồn nhân lực cao ngành Logistics theo hình thức CO-OP

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu & phát triển logistics Việt Nam, cho đến năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Trong số các doanh nghiệp trong nước, có tới 93 – 95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành Logistics, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn… Theo dự báo, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần hơn 200.000 nhân sự có kỹ năng cho ngành này. Điều này cho thấy, lĩnh vực Logistics đã, đang và sẽ thu hút nhiều lao động chuyên môn cao trong tương lai, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Trước nhu cầu đó, Trường Đại học Trà Vinh là một trong những trường đại học công lập tiên phong đào tạo chuyên ngành Quản lý dịch vụ Logistics với hình thức CO-OP (Co-operative Education Programs). Đây là chương trình có sự liên kết đào tạo với các doanh nghiệp lớn trong ngành, với 1/3 thời gian đào tạo cho phép sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp như một nhân viên tập sự sẽ giúp sinh viên đạt tốt các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp thực tế ở các vị trí việc làm và đồng thời nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Chuyên ngành Quản lý dịch vụ Logistics (theo mô hình Co-op) cùng với chuyên ngành Kinh tế ngoại thương và Quản lý kinh tế thuộc mã ngành Kinh tế với mã số là 7310101 được tuyển sinh trên toàn quốc với mã trường DVT thông qua 04 phương thức tuyển sinh: Kết quả học tập THPT (học bạ), Kết quả thi THPT các tỉnh, Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM và xét tuyển thẳng ở các tổ hợp môn A00 (Toán, Vật lý, Hoá học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), C01 (Ngữ Văn, Toán, Vật lý) và D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh). Đặc biệt, trường Đại học Trà Vinh sẽ tiếp nhận hồ sơ dự tuyển trực tuyến để tạo điều kiện cho các thí sinh ở xa – PGS TS. Diệp Thanh Tùng, Trưởng Khoa Kinh tế, Luật – ĐH Trà Vinh cho biết.

Mọi thông tin tuyển sinh chi tiết tham khảo qua website: www.tvu.edu.vn hoặc www.tuyensinh.tvu.edu.vn; Facebook: /TraVinhUniversity.TVU; Zalo: 0911.202.707

ĐT: (02943) – 855246(156) – 765536 – 855944

Năm 2019, ĐH TVinh (TVU) được công nhận đạt chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế Châu Âu (FIBAA) do 48 quốc gia ấn định ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán và Tài chính ngân hàng,ngành nông nghiệp Thủy sản, Thú y cũng đạt kiểm định chất lượng đào tạo quốc tế AUN-QA. TVU có nhiều năm liền trong TOP 300 trường ĐH trên thế giới phát triển bền vững và thân thiện thế giới – Xếp hạng GREENMETRICS. Hiện tại, TVU đang nỗ lực đa dạng các nhóm ngành nghề phục vụ theo nhu cầu xã hội về điện, cảng, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường, công nghệ sinh học, an toàn thực phẩm, du lịch, ngoại ngữ, khoa học sức khỏe…và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đưa sinh viên xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông nghiệp thủy sản. Song song đó, Nhà trường tiếp tục mở rộng hơn nữa việc kết hợp doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cùng thực hiện đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động, đặc biệt mở rộng chương trình đào tạo Co-op – một mô hình đào tạo đặc thù của TVU – PGS TS. Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng ĐH Trà Vinh chia sẻ.

 Thuý Loan – Đồng Khởi