Đón mùa tốt nghiệp, tăng trải nghiệm thực tế cho sinh viên

0
315

Tạo cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên, Trường Đại học Trà Vinh luôn xác định cùng với chuyên môn tốt sinh viên phải được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và có kỹ năng mềm thuần thục. Kể từ tháng 10/2013, trường đã đưa chương trình Kỹ năng mềm vào dạy cho sinh viên và tăng cường các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà trường để lắng nghe và hiểu nhu cầu của cả 2 bên.

Đối thoại vì sự phát triển

Trong buổi tiếp xúc doanh nghiệp với nhà trường và sinh viên được tổ chức trong tháng 5, 6 vừa qua, Đại diện nhà trường, lãnh đạo khoa và đông đảo sinh viên năm cuối của khoa Nông nghiệp – Thủy sản, vừa hoàn thành chương trình thực tế tại doanh nghiệp, đã đối thoại hết sức cởi mở. Các bạn sinh viên đã báo cáo với thầy cô về kết quả thực tế tại doanh nghiệp, và các doanh nghiệp cho ý kiến đánh giá về kỹ năng chuyên môn của SV. Đồng thời đề xuất, kiến nghị bổ sung những kiến thức cần thiết để đáp ứng thực tế đòi hỏi của doanh nghiệp. Những trải nghiệm thực tế của SV tại doanh nghiệp chính là giờ học sinh động nhất, giúp các bạn hiện thực hóa những kiến thức, kỹ năng học được ở trường vào thực tế sản xuất và nghiên cứu.

Ông Phạm Minh Khá, đại diện cho Công ty TNHH Vibo chuyên kinh doanh về thức ăn, chăn nuôi thủy hải sản, cho biết: “Doanh nghiệp tôi đã đón nhiều bạn sinh viên về thực tập. Đánh giá chung là ý thức các bạn rất tốt, kỹ năng chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tuy nhiên, cũng cần có những điều chỉnh để đáp ứng thực tế tốt hơn. Tôi cho rằng, những buổi đối thoại thế này là rất thiết thực, điều này không chỉ tốt cho SV mà cả cho doanh nghiệp. Năm nay, doanh nghiệp chúng tôi cần tuyển 30 – 40 lao động, chúng tôi sẽ đưa ra thêm một số yêu cầu đặc thù riêng để trường và các bạn SV cùng bổ sung. Đại học Trà Vinh là địa chỉ chúng tôi luôn tin cậy khi cần tuyển dụng người”.

Nhận xét về việc đưa SV đi thực tế ở doanh nghiệp, ông Diệp Thành Toàn – Phó trưởng Bộ môn Thủy sản, điều phối viên chương trình Coop, cho biết: Việc đưa sinh viên đi thực tế ở doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động đào tạo. Tới doanh nghiệp, SV mới có dịp trải nghiệm xem kiến thức, kỹ năng học ở trường có sát với thực tế không. Thêm nữa, chúng tôi cho rằng lý thuyết càng tốt bao nhiêu thì càng cần thực hành trải nghiệm nhiều bấy nhiêu. Còn doanh nghiệp, không chỉ giúp SV hiểu việc mà còn trực tiếp đánh giá và cùng góp ý với Nhà trường điều chỉnh hoạt động đào tạo. Điều mà lãnh đạo khoa, trường hướng tới để các sản phẩm đào tạo ra phải thích ứng và đáp ứng nhu cầu tốt cho doanh nghiệp.

Trải nghiệm thật là hay

Nhóm SV lớp đại học nuôi trồng thủy sản khóa 2016 có Nguyễn Trí Nguyện, Mai Minh Điền, Võ Tấn Phát, Nguyễn Quan Triệu, Nguyễn Lộc Ninh, tham gia khuyến ngư tại xã Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Nguyện vui vẻ cho biết: Những ngày trải nghiệm thật là vui, được trực tiếp tham gia sản xuất tôm tại trại nuôi, những kiến thức được thầy cô dạy trong trường giờ được thực tế sáng tỏ hơn. Ngày ngày chúng em làm quen với các công việc lắp cánh quạt oxy, lắp quạt vào ao nuôi, làm ống thoát khí, lót bạc ao nuôi, thả tôm vào bể, quan sát tôm trong bể ươm, cải tạo ao, lắp máy bơm nước, xử lý nước…

Niềm vui khi nuôi trưởng thành ếch con từ nòng nọc

Còn bạn Nguyễn Thanh Nhi, SV khóa 2015 Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, năm nay chưa xuống doanh nghiệp mà Nhi chọn ở lại Trung tâm giống của trường để thực hành nghiên cứu quá trình nuôi ếch, từ nòng nọc lên ếch con. Ngày nào cũng tất bật dậy sớm đọc lại sách, bài học về quá trình sinh sản và trưởng thành của ếch rồi tất tả 8h kém là có mặt ở trung tâm lo các công đoạn chăn nuôi chăm sóc ếch. Nhi tâm sự, em quê ở huyện Duyên Hải, Trà Vinh, nhà có đầm nuôi tôm nên mong ước của em là trở thành kỹ sư thủy sản để vừa về phụ giúp gia đình nếu có thể em sẽ xin việc gần nhà, dùng những kiến, kỹ năng học được để làm giàu cho quê hương.

Lê Thị Hồng Ngân SV khóa 2016 lại theo cô giáo ở lại phòng thí nghiệm để nghiên cứu sản xuất tôm giống. Ngày ngày công việc của Ngân là thực hiện tuần tự các công đoạn: tìm hiểu mẫu nước, tôm, xét nghiệm sinh học, làm kháng sinh đồ, thử nghiệm một số loại thảo dược… Khi được hỏi công việc thí nghiệm gắn bó với em thế nào, Ngân đáp lời: Thực tế vẫn luôn hay và hấp dẫn hơn lý thuyết nhiều. Với con tôm, em yêu thích và say mê nên làm miết mà không thấy mệt mỏi. Ngày nào cũng tới phòng thí & thực nghiệm từ 7h30, có buổi làm miết tới 1 -2h chiều khỏi ăn trưa luôn. Nếu kịp nhớ ra mình đói thì chạy vô canteen trường lấy cái bánh mì ăn lót dạ. Có những ngày ham việc em làm tới tối muộn luôn mà không biết.

Giúp SV có trải nghiệm thực tế tốt đã được Trường Đại học Trà Vinh thực hiện bài bản và hiệu quả lâu nay. Các chương trình đào tạo Coop (liên kết doanh nghiệp và nhà trường) được triển khai từ năm 2007 đã đem lại giá trị thực tế cao. Các chương trình đào tạo Coop của trường đều được phát triển và cập nhật định kỳ thông qua Ban tư vấn chương trình đại diện đầy đủ các thành phần doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật viên… tiêu chí đặt ra là giảm thiểu các môn học lý thuyết và tăng cường tỷ trọng các môn học trải nghiệm kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn, ngoại khóa và phát triển năng lực trí tuệ. Tất cả đều hướng đến đào tạo chất lượng nhất, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên– Phó Hiệu trưởng Võ Hoàng Khải.

ĐK