Luật: Ngành học của người đam mê khoa học pháp lý

0
506

Những năm gần đây, ngành Luật thu hút đông đảo các bạn trẻ theo học vì đây là ngành mang lại nhiều tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên nhiều bạn vẫn còn chưa nắm rõ ngành học này sẽ bao gồm những chuyên ngành nào? Để giải đáp thắc mắc trên, bài viết  ngành Luật sẽ giải đáp được những thắc mắc, để các bạn có định hướng lựa chọn ngành học đúng đắn ngay từ ban đầu.

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực, trong năm 2020, Việt Nam cần khoảng 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, hằng trăm thẩm tra viên thi hành án dân sự và thừa phát lại.

Đó là chưa kể nhu cầu cán bộ pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay mỗi năm, nước ta chỉ đào tạo ra khoảng 3.500 – 4.000 cử nhân luật.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực am hiểu kiến thức pháp luật tại Việt Nam, từ năm 2009, Trường Đại học Trà Vinh đã chính thức đào tạo đại học ngành Luật chuyên ngành Luật học; Luật hình sự, Luật thương mại, Luật dân sự và bậc sau đại học chuyên ngành Luật dân sự và tố tụng dân sự; Luật Kinh tế; Luật hiến pháp và Luật hành chính; Luật hình sự và tố tụng hình sự.

Sinh viên Luật được học những gì?

Trả lời câu hỏi này của các thí sinh đang tìm hiểu ngành Luật tại Trường Đại học Trà Vinh, Tiến sĩ Diệp Huyền Thảo, Phó Trưởng Bộ môn Luật, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp luật Nhà trường cho biết: Ngành Luật cung cấp kiến thức luật bao quát ở hầu hết các lĩnh vực. Giúp sinh viên phân tích các quy định của pháp luật. Xác định các đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Áp dụng và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Chương trình đào tạo ngành Luật hướng tới mục tiêu đào tạo sinh viên có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị, pháp luật, công nghệ thông tin; về lập kế hoạch, tổ chức, giám sát, quản lý và điều hành hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật; đồng thời có khả năng áp dụng kiến thức cơ sở về Luật vào thực tiễn cuộc sống.

 Từ đó sinh viên có các kỹ năng cần thiết để có thể giải quyết các vấn đề phức tạp; dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác; phản biện, phê phán; đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm; truyền đạt vấn đề và các giải pháp tại nơi làm việc; và chuyển tải, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hoặc phức tạp.

Ngoài ra, ngành Luật còn hướng tới mục tiêu đào tạo sinh viên có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm; có khả năng hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định; có khả năng lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động; đồng thời có khả năng tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân.

Học luật làm ở đâu?

Sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức nền tảng của thể chế pháp luật; kiến thức về vai trò của pháp luật trong công ty, doanh nghiệp; giải quyết tranh chấp kinh doanh; phân tích, đánh giá, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ phát triển và hội nhập kinh tế; hiểu biết về luật của Việt Nam để vận hành trong công ty, doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Vận dụng tốt các kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, lý luận nhà nước và pháp luật, giáo dục quốc phòng liên quan để có được nhận thức và hành động đúng trong cuộc sống, học tập và lao động nghề nghiệp.

Vận dụng kiến thức ngoại ngữ trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tin học cơ bản vào hoạt động nghề nghiệp. Kiến thức về luật nội dung vào việc soạn thảo văn bản, đàm phán hợp đồng và giải quyết các vấn đề pháp lý.

Kiến thức về luật hình thức để giải quyết vấn đề trong hoạt động nghề nghiệp, hệ thống pháp luật của các nước và luật quốc tế vào việc giải quyết các vấn đề có tính quốc tế, kiến thức thực tế, thực tập để bước đầu làm quen với các công việc trong tương lai và thích ứng với những thay đổi của môi trường làm việc.

Bên cạnh khối kiến thức chuyên môn, sinh viên được trang bị thêm các kỹ năng cần thiết như: Đánh giá pháp luật thực định và hoạt động thực hiện pháp luật. Giải quyết những vụ việc, vụ án xảy ra trên thực tế. Đàm phán, tư vấn và làm việc với khách hàng. Soạn thảo các loại văn bản, hợp đồng phù hợp pháp luật quốc gia và luật quốc tế. Thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học. Phát triển tư duy phê phán trong giải quyết vấn đề. Giao tiếp hiệu quả trong hoạt động chuyên môn.

Làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ ở mức cơ bản. Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, tính trung thực, sự tự giác, và tác phong nghề nghiệp. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động chuyên môn. Thích ứng với các điều kiện, môi trường làm việc khác nhau. Kiên quyết đấu tranh, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật. Thể hiện ý thức học tập suốt đời.

Tiến sĩ Diệp Huyền Thảo cho biết thêm: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành luật, các văn phòng luật sư, công ty luật, trung tâm trợ giúp pháp lý, Trung tâm trọng tài thương mại, văn phòng công chứng và phòng công chứng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế, ngành luật rất cần nguồn nhân lực chất lượng, để giải quyết vấn đề này thì cần phải nâng cao chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo ngành Luật đạt chất lượng kiểm định FIBAA đã chứng minh bước tiến trong phát triển chương trình đào tạo. Mục tiêu sắp tới là hướng tới tính ứng dụng và tăng cường tính thực hành cho sinh viên, hướng đến các hoạt động thực hành có yếu tố quốc tế” – Tiến sĩ Diệp Huyền Thảo chia sẻ.

Hiện tại, Trường ĐH Trà Vinh đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật: nhằm tăng cường yếu tố thực hành cho sinh viên, trong quá trình học sinh viên có thể tham gia các hoạt động thực tiễn tại Trung tâm tư vấn pháp luật như: Hỗ trợ tư vấn, khảo sát thực tế; tham vào các dự án của Trung tâm như OCOP, dự án cộng đồng… sinh viên có thể làm việc bán thời gian cho các chương trình của Trung tâm thực hiện.

Đang công tác tại Công ty Luật TNHH Luật Thành Văn – Chi nhánh Trà Vinh, bạn Huỳnh Trương Uyển Vy, cựu sinh viên ngành Luật khóa 2015 cho hay: Sau khi tốt nghiệp đại học Luật, chị tiếp tục học lên Thạc sĩ Luật chuyên ngành luật dân sự và tố tụng dân sự tại Trường ĐH Trà Vinh. Các kiến thức được trau dồi trong quá trình học tập giúp chị áp dụng vào công việc của mình. Hiện tại chị đã có công việc ổn định.

Uyển Vy – Cựu sinh viên TVU