MECA sẽ được Mitsubishi Electric tổ chức thường niên tại Việt Nam

0
537

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/meca-se-duoc-mitsubishi-electric-to-chuc-thuong-nien-tai-viet-nam-16984.html

MECA 2021 – 2022 (Mitsubishi Electric Cup Automation) với chủ đề “Giải pháp tự động hóa thông minh trong nhà máy” vừa diễn ra vòng chung kết hôm 14/5/2022.

Đây là cuộc thi tài giữa các nhóm sinh viên khối kỹ thuật trong các trường đại học do Mitsubishi Electric kết hợp trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức, với sự tham dự của 6 trường đại học tại khu vực miền Nam: Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghệ TP.HCM, Đại học Trà Vinh.

MECA là cuộc thi được Mitsubishi Electric khởi động và tổ chức thành công trên nhiều nước.

Cơ hội thi tài hàng năm cho các kỹ sư tương lai với MECA

MECA là cuộc thi Mitsubishi Electric Việt Nam kết hợp cùng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức, mang tầm vóc khu vực châu Á, kết nối các trường đại học trong một chuyên ngành mang tính ứng dụng cao là tự động hóa. Khởi động từ năm 2007 tại Trung Quốc, MECA đã được tổ chức thành công qua nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan và 2 năm liền 2020 và 2021 tổ chức tại Việt Nam. Đây là cuộc thi hiếm hoi dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật được tổ chức quy mô, bài bản.

Mitsubishi Electric là một trong những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất và kinh doanh thiết bị điện – điện tử và thiết bị tự động hóa được sử dụng trong hệ thống thông tin và truyền thông, phát triển vũ trụ và vệ tinh thông tin liên lạc, thiết bị gia dụng, công nghiệp sản xuất, năng lượng, vận tải và thiết bị xây dựng. Về nhóm ngành tự động hóa, Mitsubishi Electric cung cấp một loạt các công nghệ xử lý và tự động hóa công nghiệp, bao gồm bộ điều khiển, sản phẩm truyền động, thiết bị phân phối điện và giám sát điện, máy phóng điện, máy tia điện tử, máy cắt laser, bộ điều khiển máy tính trung tâm (controllers) và rô-bốt công nghiệp.

Các đề án được xây dựng và hình thành từ các thiết bị của Mitsubishi Electric.

Khi tạo nên sân chơi MECA, ban tổ chức đã hỗ trợ tối đa cho các thí sinh được tiếp cận các công nghệ tự động hóa mới nhất của hãng. Tham gia cuộc thi, thí sinh được tiếp cận với các thiết bị công nghệ tự động hóa và sản xuất kỹ thuật số mới nhất, bao gồm: robot công nghiệp MELFA (công nghệ Nhật Bản, có thể kết hợp với Trí tuệ nhân tạo AI) và phần mềm quản lý, vận hành GENESIS64 (trang bị đồ họa 3D, hiển thị trực quan tình trạng vận hành của thiết bị theo thời gian thực).

Sức hút từ sân chơi ngành tự động hóa MECA 2021 – 2022

Mùa giải 2021 – 2022 của MECA với chủ đề “Giải pháp tự động hóa thông minh trong nhà máy” đã thu hút sinh viên của 6 trường đại học tham dự, điển hình như tại Đại học Cần Thơ, có đến 11 đội gồm 35 sinh viên thuộc 6 ngành của Khoa Công nghệ gồm: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật máy tính và kỹ thuật cơ khí đã tham gia thi đấu, các nhóm đã tranh tài sôi nổi để tìm ra đội đại diện trường tham dự vòng chung kết.

18 đội thi tranh tài tại vòng chung kết MECA 2021 – 2022.

Ngày 14/5/2022, vòng chung kết cuộc thi đã diễn ra giữa 18 đội thi lọt vào vòng chung kết. Các chủ đề đều có những giải pháp đột phá, thể hiện được những ý tưởng sáng tạo của các kỹ sư trẻ tương lai. Sau khi so sánh các tiêu chí, ban tổ chức cuộc thi quyết định trao giải thưởng cao nhất của MECA dành cho các chủ nhân xứng đáng.

Giải nhất chung cuộc thuộc về đội CT-SPKT của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với đề tài “Điều khiển và giám sát phân loại ống nghiệm qua Webserver”.

Đội Beatrix và đội Phoenix của trường đại học Công nghiệp TP.HCM đồng giải nhì với các đề tài lần lượt là “Máy đóng bao tự động” và “Mô hình nhà kho thông minh kết hợp bộ điều khiển PLC Mitsubishi và công nghệ thị giác máy tính”.

Và 3 giải ba được trao cho 3 đội:

– Đội DLP của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với đề tài “Xây dựng và điều khiển máy CNC dùng G-CODE trong mạng SSCNET, phân biệt cách thức gia công sản phẩm bằng mã vạch”.

– Đội MATT của trường Đại học Tôn Đức Thắng với đề tài “Smart Warehouse”.

– Đội A1 Automation của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM với đề tài “Ứng dụng mạng CC-LINK và GOT MOBILE điều khiển tự động cho nhà kính thông minh”.

Đội HTC2-TVU của Ttrường Đại học Trà Vinh thắng giải Giải pháp bảo vệ môi trường.

Chìa khóa thành công của Mitsubishi Electric Cup nằm ở cách chương trình thúc đẩy sinh viên vượt ra ngoài lý thuyết và kiến ​​thức, đến với sự đổi mới trong thực tế. Vì vậy, bên cạnh các giải thưởng học thuật, MECA 2021 – 2022 còn có các giải thưởng đặc biệt nhằm khuyến khích sự phát triển toàn diện các kỹ năng của các sinh viên:

– Giải Thiết kế ấn tượng thuộc về đội High Voltage của Trường Đại học Cần Thơ

– Giải Trình diễn xuất sắc nhất thuộc về đội Node Red TDTU của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

– Giải Giải pháp bảo vệ môi trường thuộc về đội HTC2-TVU của Trường Đại học Trà Vinh

– Giải Ứng dụng thông minh thuộc về đội CTU’s Leminions của Trường Đại học Cần Thơ

Mitsubishi Electric Việt Nam hy vọng rằng thông qua cuộc thi, sinh viên không chỉ tiếp cận các công nghệ tự động hóa và khái niệm e-F@ctory mà còn có cơ hội học hỏi và chia sẻ kiến ​​thức. Và quan trọng nhất, cuộc thi có đã truyền cảm hứng cho tương lai từ những xu hướng mới nhất của ngành tự động hóa.

TUẤN NGUYỄN