MEKONG SALT LAB – Khảo sát ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tại tỉnh Trà Vinh

0
392

TVU – Từ ngày 14/6 – 16/6/2022, các chuyên gia đến từ The Water Agency (Hà Lan) cùng với các chuyên gia đến từ Trường Đại học Trà Vinh, Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Kim Delta đã có chuyến thực địa và lắng nghe người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và làm việc trực tiếp với các chuyên gia là cán bộ quản lý tại Trường Đại học Trà Vinh về chiến lược phát triển dự án thành lập Trung tâm nước mặn Mê Kông (Mekong Salt Lab) theo nhu cầu phát triển vùng, đặc biệt tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ở Việt Nam và các nước trong khu vực có cùng thực trạng.

Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Trường Đại Học Trà Vinh là đơn vị đầu mối và quản lý trực tiếp dự án, cùng với các đối tác tại Hà Lan: Đại học Khoa học Ứng dụng HZ, The Water Agency, và Kim Delta Việt Nam. Dự án nhận được tài trợ của chính phủ Hà Lan thông qua Chương trình Tri thức Orange (OKP – Orange Knowledge Program). MeKong Salt Lab được thiết lập như một trung tâm kết hợp chuyên môn trong nước và quốc tế với mục tiêu đào tạo nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Mekong thích ứng với điều kiện nhiễm mặn của hệ thống đất và nước.

Hoạt động có sự tham gia của chuyên gia về quản trị nguồn nước, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn – The Water Agency (Hà Lan); Chuyên gia tư vấn về các mô hình sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Chuyên gia tư vấn về hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững của các mô hình sinh kế đến từ Công ty Tư vấn & Đào tạo Kim Delta tại Việt Nam và các chuyên gia đến từ Trường Đại học Trà Vinh.

Trong quá trình làm việc, đoàn chuyên gia tiến hành khảo sát mức độ ảnh hưởng xâm nhập mặn ở từng khu vực, ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán đến hệ thống canh tác nông nghiệp, sự thích ứng của người dân trong tình hình xâm nhập mặn, cũng như tìm hiểu mong muốn của các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn. Qua đó, giúp người nhân thấy được tầm qua trọng của việc hợp tác cùng các nhà khoa học và chính quyền địa phương trong mô hình tạo sinh kế bền vững và hài hoà với sự xâm nhập mặn trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Thanh Việt, ấp An Tân, xã An Quãng Hữu huyện Trà Cú,tỉnh Trà Vinh chia sẻ: Ông chuyển từ mô hình trồng lúa sang mô hình trồng bưởi từ năm 2015, tuy nhiên không thành công. Đến năm 2018, ông chuyển qua mô hình trồng dừa và do ảnh hưởng xâm mặn nên trái dừa nhỏ và ít trái. Ông hy vọng việc ảnh hưởng mặn sẽ được giảm thiểu.

Tham quan và khảo sát hệ thống cống đập 2 cửa (8 x 5 m) tại ấp Vàm Buông, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, các chuyên gia đã có những trao đổi với BQL cống Vàm Buông về tình hình hoạt động của cống trong công tác điều tiết nguồn nước ngọt cũng như hạn chế và chặn không cho nước mặn vào khu nội đồng.

Đoàn công tác trao đổi về mô hình nuôi cá lóc thâm canh với các hộ dân ở ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh

Các chuyên gia tham quan và trao đổi sâu về chuyển đổi sang canh tác trong nhà lưới ở huyện  Trà Cú.

Trao đổi về việc chuyển đổi mô hình nuôi tôm từ sú ao đất sang nuôi tôm thẻ chân trắng ao phủ bạc thâm canh tại ấp Ba Động, xã Trường Long Hoà, Thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Tham quan và khảo sát mô hình trồng nho trên vùng đất ngập mặn tại xã Trường Long Hòa,TX. Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Hà Lan cũng đã có 2 buổi làm việc và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia là cán bộ quản lý tại Trường Đại học Trà Vinh về những chiến lược về phát triển Mekong Salt Lab theo nhu cầu phát triển vùng, đặc biệt tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ở Việt Nam và các nước trong khu vực có cùng thực trạng.

Dự án thành lập Trung tâm nước mặn Mê Kông (Mekong Salt Lab) là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện nghị quyết và quy hoạch vùng. Vì vậy, các bên sẽ đưa ra những giải pháp nhằm giúp người dân trở nên kiên cường hơn và tìm ra các hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo sinh kế để duy trì cuộc sống của người dân ven biển ở ĐBSCL.

Ngọc Bích – Hữu Thọ

TS- VĐ