Ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống – Học bằng niềm đam mê

0
718

(TVU) – Ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Trường ĐH Trà Vinh là ngành học đặc trưng về nghệ thuật và chỉ có niềm đam mê, năng khiếu mới theo học ngành này.

Trong một buổi học thực hành, một nhóm sinh viên say sưa chơi nhạc ngũ âm với đôi tay nhanh nhẹn, linh hoạt lướt trên nhạc cụ. Trong dàn ngũ âm có sáu nhạc cụ chính, trong đó chiếc Rô-niết-ek với tiếng đàn giòn, vang xa nhất, có lẽ luôn đóng vai trò giữ giai điệu chính… Bộ gõ đàn thuyền, cồng thấp,cồng cao, trống dùi, trống tay… tất cả phối hợp rất ăn ý, nhịp nhàng lúc nhặt lúc khoan, rộn rã, vui tươi.

Chau Sóc Kung, một trong những sinh viên có khả năng cảm âm tốt và chơi nhạc điêu luyện nhất tâm sự: “Em chọn ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (Trường Đại học Trà Vinh) để theo niềm đam mê, sở thích của mình. Khi theo học tại Trường, em càng thích nghi nhanh hơn và quyết tâm học nhiều loại nhạc cụ truyền thống để giữ gìn ngọn lửa nghề của gia đình và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ” – Châu Sóc Kung chia sẻ.

Trong quá trình học tại Trường, sinh viên ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống thường xuyên luyện tập dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô là nghệ nhân chuyên nghiệp để tham gia biểu diễn trong dịp Lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khmer tại Trường, tại chùa…

 

Đặc biệt, Nhà trường thành lập đoàn nghệ thuật tham gia các buổi liên hoan âm nhạc truyền thống trong tỉnh và khu vực đạt được nhiều thành tích cao. Cụ thể, năm 2017 đạt giải A hòa tấu nhạc cụ trong Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ tại tỉnh Bạc Liêu, năm 2018 giải A hòa tấu dân ca tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2019 giải A liên hoan ca múa nhạc tại Sóc Trăng, năm 2020 giải A toàn đoàn, giải C độc tấu đàn thuyền Rô-Niết-ek Liên hoan Nghệ thuật Quần chúng tỉnh Trà Vinh.

Nghệ nhân Thạch Hoài Thanh, giảng viên Bộ môn Nghệ thuật, khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Trong thời gian đào tạo ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống, sinh viên luôn tận dụng tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer càng nhiều càng tốt. Bởi vì, hiện tại một số loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer dần mai một, người trẻ sử dụng, đam mê các loại nhạc cụ ngày một hiếm.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, nhóm sinh viên ước mơ sẽ đem những kiến thức, hiểu biết của mình về nhạc cụ truyền thống hướng dẫn, tiếp lửa đam mê cho các thế hệ sau nhằm giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa đồng bào dân tộc Khmer.

Tín Di