Nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp trở thành “nhu cầu thiết yếu” của sinh viên

0
327

(TVU) – Nghiên cứu khoa học (NCKH) và sáng tạo khởi nghiệp dần trở nên quen thuộc và trở thành “nhu cầu thiết yếu” của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh trong suốt quá trình học tập.

Trong những năm qua, TVU luôn đồng hành với sinh viên trong các hoạt động NCKH và sáng tạo khởi nghiệp, đồng thời tạo một môi trường học tập dựa trên tinh thần khai phóng, đổi mới và sáng tạo.

Các hoạt động NCKH và sáng tạo khởi nghiệp luôn được Nhà trường dành sự quan tâm đặc biệt, đây được xem là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết NCKH với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bám sát định hướng, ứng dụng nghề nghiệp. Hơn nữa, quỹ khởi nghiệp, quỹ nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giảng viên không ngừng được đầu tư mở rộng. Các đề tài NCKH của giảng viên và sinh viên luôn được gắn liền với hoạt động khởi nghiệp của Nhà trường với số lượng và quy mô tăng dần qua từng năm.

Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: TVU ưu tiên thực hiện các dự án triển khai sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng thương mại, chú trọng đầu tư vào các nghiên cứu có thế mạnh, ưu tiên phục vụ cộng đồng và gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các sở ngành trong và ngoài tỉnh để đặt hàng nghiên cứu phát triển KH-CN…

Phát huy các nghiên cứu thế mạnh phục vụ phát triển cộng đồng

Từ lâu, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi luôn là bài toán nan giải đối với bà con nông dân, nhận thấy những khó khăn đó nhóm nghiên cứu do TS. Phạm Thị Phương Thuý, Phó trưởng khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản là tác giả chính đã nghiên cứu đưa ra giải pháp tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ sinh học giúp phục hồi bộ rễ trên cây có múi với chi phí thấp nhất.

TS. Phạm Thị Phương Thuý cho biết: “Với hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh mà chúng tôi đã nghiên cứu bà con nông dân sẽ giảm đáng kể chi phí phân bón vô cơ hàng năm, hơn nữa bà con sẽ không cần sử dụng thêm bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, từ đó giảm sự ô nhiễm môi trường, cũng như tác động của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nguồn nước ngầm”.

Sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên và đẩy mạnh thương mại hoá sản phẩm

Trong năm 2021, với những nỗ lực không ngừng của cả thầy và trò, sinh viên Trần Minh Nam, lớp đại học kế toán 2018 và Trần Linh Vy, lớp đại học kế toán 2017 đã xuất sắc đạt giải Ba tại cuộc thi “Khoa học và công nghệ cho sinh viên” trong các cơ sở giáo dục đại học với đề tài nghiên cứu “Phân tích tác động của động cơ làm việc, niềm tin ở tổ chức đến hành vi thực hiện công việc của kế toán viên tại các doanh nghiệp xây lắp tỉnh Trà Vinh”. Đây là giải thưởng có uy tín và chất lượng, thu hút được sự quan tâm của xã hội, quy tụ được nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính mới, sáng tạo, nội dung phong phú, có khả năng triển khai ứng dụng hoặc phát triển thành sản phẩm thương mại.

Minh Nam và Linh Vy cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu nhóm đã gặp không ít những khó khăn, tuy nhiên với sự giúp đỡ tận tình của thầy/ cô cùng với sự quan tâm, ủng hộ của Nhà trường chúng em đã vượt qua và bước đầu đạt được thành công. Việc NCKH đã mang đến cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích, rèn luyện các kỹ năng, cũng như khả năng tư duy, đây chắc chắn là những bài học quý giá giúp chúng em hoàn thiện bản thân và đặc biệt giúp nuôi dưỡng niềm đam mê NCKH từ khi chúng em còn ngồi trên ghế nhà Trường”.

Bên cạnh đó, với ý tưởng “Sản xuất nước chấm từ cơm mẻ” của nhóm tác giả Sơn Minh Thiện, sinh viên lớp đại học Ngôn ngữ Anh 2019; Nguyễn Hồng Như, lớp đại học Quản trị Kinh doanh 2019 và Nguyễn Thị Thảo Hiền, lớp đại học Công nghệ thực phẩm 2019 đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2021 do Tỉnh đoàn Trà Vinh tổ chức và cũng là dự án tham gia vòng sơ khảo Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Tiếp nối những thành công từ việc ứng dụng NCKH và thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu tiềm năng trước đây, nhóm nghiên cứu do Ths. Đặng Hoàng Vũ, Chủ nhiệm dự án đã nghiên cứu chế tạo thành công và đưa vào thương mại hoá máy tách vỏ dừa tự động, đồng thời đã tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất tại tỉnh Bến Tre. Đây là sản phẩm được thương mại hóa thành công từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Chế tạo máy tách vỏ dừa khô tại Trà Vinh, phục vụ cho sản xuất tơ xơ dừa”.

Những nỗ lực của thầy và trò Trường Đại học Trà Vinh, cùng với sự đầu tư nghiêm túc trong các hoạt động NCKH và sáng tạo khởi nghiệp đã phát huy được những thế mạnh của giảng viên và sinh viên TVU trên tinh thần gắn kết lý thuyết với thực hành, đào tạo và ứng dụng nghề nghiệp, tiếp tục lan toả, truyền cảm hứng NCKH và sáng tạo khởi nghiệp trong giảng viên, sinh viên, đồng thời khẳng định chất lượng đào tạo của Nhà trường với phương châm “Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng”.

Đông Lâm