Phát huy giá trị văn hóa âm nhạc Khmer Nam bộ

0
1622

(ĐTTCO) – Ngày 30-8, Trường Đại học Trà Vinh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ – Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu là nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ sĩ, nghệ nhân… tham dự, chia sẻ về thực trạng, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, phát biểu tại hội thảo.

Độc đáo âm nhạc Khmer Nam bộ

PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nhận định: Người Khmer ở Nam bộ đã tạo dựng một nền văn hóa – nghệ thuật dân gian độc đáo và đa dạng với nhiều loại hình khác nhau. Trong đó, âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ gắn bó mật thiết với nhịp sống đời thường, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các lễ hội truyền thống như dàn nhạc Ngũ âm, dàn nhạc Mhôry, dàn nhạc cưới, múa trống Sa dam, hát A day, Chầm riêng Chà pây, đồng dao, hát ru…

Có thể nói, âm nhạc dân gian của người Khmer Nam bộ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa – nghệ thuật Việt Nam.

Chính vì vậy, các loại hình nghệ thuật này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer Nam bộ, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, tâm hồn của người Khmer, đặc biệt là trong thời đại mới, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.


 Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam bộ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Sơn Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng cho rằng, dân tộc Khmer Nam bộ hiện nay đã và đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá do tổ tiên để lại. Đó là kho tàng nhạc khí dân gian rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Kho tàng nhạc khí dân gian Khmer Nam bộ mang tính đặc trưng, tiêu biểu trong nền văn hóa truyền thống của người Khmer, đặc biệt tại vùng ĐBSCL.

Trong suốt chiều dài lịch sử, kho tàng nhạc khí mang một ý nghĩa tích cực trong đời sống cộng đồng xã hội người Khmer Nam bộ, phục vụ đắc lực cho mọi sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật cả người Khmer lẫn người Kinh, Hoa, Chăm ở ĐBSCL.

Đồng thời, góp phần làm giàu thêm kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp tiếng nói thiết thực phục vụ đời sống cộng đồng. 

Ra sức gìn giữ…

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và kịp thời nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ. Qua đó, tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong hoạt động sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu, đào tạo, truyền dạy.

Tuy nhiên, trong thực tế, thực trạng mai một, đánh mất bản sắc đối với một số loại hình âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ là có thật, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Sự tác động của xu hướng toàn cầu hóa dẫn tới sự thay đổi thị hiếu của người dân, cộng với sự tác động của các thể loại âm nhạc khác.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ thời gian qua chủ yếu được thực hiện theo hướng tự phát, lưu truyền theo truyền miệng gắn với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Các hình thức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, đào tạo cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Soạn giả Thạch Mu Ni, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, trăn trở: “Các dòng nhạc A rắc, Rô băm, À day, hát ru, Chầm riêng Chà pây… đã và đang mai một, thậm chí nhiều ca khúc không ai còn nhớ. Có nhiều nguyên nhân như người dân ít có nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ, không được ký âm lưu giữ, thiếu đơn vị nghiên cứu bảo tồn và phát triển, đội ngũ nhạc sĩ là người dân tộc Khmer được đào tạo chính quy rất ít”.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Bùi Công Ba, Sở VH- TT tỉnh Kiên Giang, cũng thừa nhận: “Ở Kiên Giang việc truyền dạy chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đội ngũ nghệ nhân kế thừa dẫn đến nhiều thể loại có nguy cơ thất truyền. Đây là điều đáng lo ngại”. 

Múa Khmer Nam bộ.

Trước những vấn đề trên, PGS.TS Phạm Tiết Khánh cho rằng, cần đánh giá lại những thành tựu, hạn chế trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ một cách khách quan, khoa học; lý giải một cách thấu đáo nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế. Qua đó, làm rõ hiệu quả của các hình thức bảo tồn và phát huy trong thời gian qua. Những hình thức nào hiệu quả cần tiếp tục phát huy, hình thức chưa hiệu quả cần phải thay đổi, điều chỉnh.

Cũng theo ông Khánh, bảo tồn các giá trị văn hóa âm nhạc Khmer Nam bộ trong bối cảnh xã hội hiện nay cần được nhìn nhận toàn diện, logic biện chứng giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, kế thừa và phát huy. Trên cơ sở xác định đúng thành tựu, hạn chế.

Quan điểm trong việc kế thừa giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ là cần xác định các nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ.

Theo TS. Dương Hoàng Lộc, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer Nam bộ cần có kế hoạch tổng thể cho phát triển các đội, nhóm, các khóm, ấp, khu phố, các chùa… Chú trọng đào tạo lực lượng nhạc công thực hành âm nhạc Khmer Nam bộ có thể chơi nhiều nhạc cụ, nắm vững lý thuyết âm nhạc, thành thạo diễn tấu. Trường Đại học Trà Vinh có thể xin mở rộng chỉ tiêu, kết hợp cùng Nhạc viện TPHCM để liên kết đào tạo những bậc học cao hơn. 

Các nhà chuyên môn đánh giá cao Trường Đại học Trà Vinh dành nhiều tâm huyết cho hội thảo khoa học này, bởi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ là cấp thiết và là con đường tất yếu đối với sự phát triển văn hóa âm nhạc của mỗi dân tộc trong sự hội nhập với các nền văn minh trên thế giới.

HUỲNH LỢI

Nguồn:http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/phat-huy-gia-tri-van-hoa-am-nhac-khmer-nam-bo-71732.html