Xác định tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa di sản văn hoá dân tộc với hoạt động giáo dục và du lịch

0
857

TVU – Ngày 01/7/2022, tại trường ĐH Trà Vinh diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia về chuyên đề: Di sản văn hoá trong hoạt động giáo dục và du lịch. Hội thảo thu hút trên 100 đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu sinh về lĩnh vực văn hoá, du lịch từ các viện, trường, các đơn vị đào tạo trên cả nước tham dự.

Về tham dự hội thảo có Ông Sơn Thanh Liêm – Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, TS. Nguyễn Hữu Thọ – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, Ông Nguyễn Trọng Tín – Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long, Ông Phan Thanh Đoàn – Trưởng Phòng Tuyên truyền báo chí văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh, Ông Thạch Chan ViTu – Phó Phòng Quản lý Văn hóa – Du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh; cùng các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các tác giả tham luận hội thảo, giáo viên đến từ các trường THPT trong và ngoài tỉnh, cùng viên chức, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên trường ĐH Trà Vinh.

Về phía nhà trường, Bà Thạch Thị Dân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh làm Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Huệ – Trưởng Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và PGS.TS. Phan Quốc Anh, Trường ĐH Trà Vinh đồng chủ tọa hội thảo.

TS. Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, Trưởng Khoa Ngôn ngữ – Văn hoá – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ trường ĐH Trà Vinh cho biết: Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, về Di sản văn hóa trong hoạt động Giáo dục và Du lịch hướng đến mục đích chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa các vùng miền. Tập trung giới thiệu các di sản văn hoá của nước ta, đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, bảo tàng: Những mặt làm được, chưa làm được, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường ý thức của cộng đồng về các di sản văn hoá thông qua hoạt động truyền thông, giáo dục, du lịch.

Chủ tọa hội thảo: Bà Thạch Thị Dân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, TS. Nguyễn Thị Huệ – Trưởng Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và PGS.TS. Phan Quốc Anh, Trường ĐH Trà Vinh

Ban tổ chức đã nhận được trên 70 bài tham luận của các tác giả đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trong cả nước như: Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa; Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế; Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận; Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Vĩnh Long; Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang; Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội; Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM phân hiệu tại Ninh Thuận; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Trường Đại học Bình Dương; Trường Đại học Thái Bình Dương; Trường Đại học Kinh tế – Tài Chính TP.HCM, Trường Đại học Công Nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH); Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Tài Chính Marketing TP.HCM; các Trường THPT như Trường THPT Thuận Hóa; Trường THPT Long Thới, Nhà Bè; Trường THPT Long Hiệp, Trà Cú, và Trường Đại học Trà Vinh….

05 tham luận được các tác giả trình bày trong hội thảo lần này là Di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch ở Nam Trung Bộ Việt Nam – PGS.TS. Phan Quốc Anh, Trường Đại học Trà Vinh; Truyền thuyết về địa danh ở Trà Vinh trong giáo dục truyền thống – ThS. NCS Kiều Văn Đạt, Trường Đại học Trà Vinh; Chức năng giáo dục trong hoạt động bảo tàng Văn hóa dân tộc khmer tỉnh Trà Vinh – CN. HVCH Kim Sa Phép – Bảo tàng văn hóa Khmer Trà Vinh; Số hóa di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Trà Vinh – Nhóm tác giả: ThS. Võ Thành C, ThS. Dương Ngọc Vân Khanh, ThS. Nguyễn Bá Nhiệm – Trường Đại học Trà Vinh; Giảng dạy di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch Việt Nam – TS. Hồ Tường, Trường Đại học Bình Dương.

Đại biểu và các diễn giả tham gia hội thảo
ThS. Võ Thành C – Trường ĐH Trà Vinh trình bày tham luận “Số hóa di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Trà Vinh”

Tham luận “Số hóa di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Trà Vinh” (Nhóm tác giả: ThS. Võ Thành C, ThS. Dương Ngọc Vân Khanh, ThS. Nguyễn Bá Nhiệm – Trường Đại học Trà Vinh) đưa ra một số giải pháp số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh để nâng cao hiệu quả quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa cũng như tạo bước đột phá để du lịch Trà Vinh có những bước tiến xa hơn, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà như số hóa di sản văn hóa với công nghệ 3D Scanning, ứng dụng công nghệ thực tế ảo để xây dựng hệ thống tham quan ảo, xây dựng bản đồ số di sản văn hóa tỉnh Trà Vinh, xây dựng website 3D và ứng dụng di động giới thiệu về các di sản văn hóa tỉnh Trà Vinh, giới thiệu thông tin các di sản văn hóa trên mạng xã hội.

TS. Hồ Tường – Trường Đại học Bình Dương, với tham luận “Giảng dạy di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch Việt Nam”

TS. Hồ Tường – Trường Đại học Bình Dương, với tham luận “Giảng dạy di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch Việt Nam” nhấn mạnh việc đưa ra phương pháp phân loại, hệ thống hóa các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Việt Nam và áp dụng giảng dạy cho sinh viên ngành Hướng dẫn viên du lịch và Dịch vụ du lịch lữ hành, giúp sinh viên ra trường tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng công tác thiết kế tour cũng như thuyết minh hướng dẫn du lịch.

Các tác giả đã bàn luận sâu sắc về di sản văn hóa trong hoạt động du lịch và giáo dục. Bên cạnh làm sáng rõ hơn các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh, các tác giả còn mô tả các di sản văn hóa ở từng địa phương. Bảo tồn di sản cũng được quan tâm qua các bài viết về kỹ thuật số hóa, cách truyền dạy (tạo cảm xúc với di sản; ..). Gồm nhận diện di sản văn hoá của dân tộc; Phân tích hiện trạng di sản văn hoá tại các địa phương (Hà Tĩnh, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Khánh Hòa…); đánh giá hoạt động ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn di sản: Những ứng dụng công nghệ để bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam, tại tỉnh Trà Vinh (3D, VR, E-learning); Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong giáo dục, trong du lịch: Giáo dục di sản văn hóa Huế; giảng dạy về các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Việt Nam cho hướng dẫn viên du lịch; dạy học di sản trong trường phổ thông; đưa di sản văn hóa vào giáo dục lịch sử trong nhà trường trung học phổ thông; Văn học dân gian (VHDG) Trà Vinh; Các tham luận hướng đến nhận diện di sản trong hoạt động bảo tồn, khai thác thông qua các chương trình du lịch, giáo dục.

Bà Thạch Thị Dân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết: “Việt Nam, với hệ thống di sản văn hóa trải khắp đất nước chính là nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước thông qua phát triển du lịch. Di sản văn hóa đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Những tham luận khoa học của hội thảo góp phần cung cấp tư liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giáo dục trong và ngoài nước về di sản văn hóa của nước ta hiện nay. Trăn trở, đề xuất của các tác giả chính là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý hoạt động văn hóa, du lịch, giáo dục ở từng địa phương và trung ương nhận diện thực trạng và sớm có các hành động thiết thực, gắn với thực tiễn đặt ra.”

Tín Di – Hoàng Long