Ngành Dinh dưỡng (7720401)

Dinh dưỡng (7720401)
Tổ hợp môn: B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), B08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh)

1. Mục tiêu đào tạo:

Đào tạo Đại học Dinh dưỡng được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhà sử dụng lao động và các bên liên quan. Cụ thể, CTĐT Cử nhân dinh dưỡng trình độ Đại học hướng tới mục tiêu đào tạo sinh viên:

Có hệ thống những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng con người, khoa học thực phẩm và an toàn thực phẩm; giải thích các nguyên lý cơ bản về sinh lý, cơ chế hấp thu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể, dự phòng và điều trị bệnh có liên quan đến dinh dưỡng.

Có khả năng thu thập, theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh tại bệnh viện và tại cộng đồng, lập kế hoạch can thiệp phù hợp; xây dựng quy trình chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh tại bệnh viện;

Có khả năng truyền thông, giáo dục dinh dưỡng; thực hiện và hướng dẫn cộng đồng lựa chọn thực phẩm, xây dựng chế độ ăn, cách chế biến món ăn phù hợp, an toàn để phòng bệnh;

Có khả năng tổ chức, thực hiện và giám sát hoạt động dinh dưỡng, tiết chế tại bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; giám sát quy trình bảo quản, chế biến, lưu mẫu, vận chuyển và phân phối thực phẩm/khẩu phần dinh dưỡng tại các cơ sở chế biến thức ăn đảm bảo an toàn.

Có khả năng tự học và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu chăm sóc dinh dưỡng và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Có kỹ năng giao tiếp với khách hàng, người bệnh và làm việc nhóm hiệu quả.

Có đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo thực phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người bệnh và khách hàng; Tinh thần trách nhiệm cao, tác phong thận trọng và chính xác

Có ý tưởng sáng tạo, chủ động tìm tòi và phát huy những điều tốt đẹp hơn trong nghề nghiệp, tinh thần cầu tiến và yêu nghề.

2. Tổ hợp môn xét tuyển:

Tổ hợp môn: B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), B08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh)

3. Thời gian đào tạo:

Cử nhân Dinh dưỡng: 4 năm (8 học kỳ, 135 tín chỉ)

4. Đối tượng tuyển sinh:

Tuyển sinh, mở rộng phạm vi trong và ngoài nước. Tuyển sinh theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định của Trường Đại học Trà Vinh.

5. Nội dung chương trình (xem tại đây)

6. Chuẩn đầu ra:

6.1 Về kiến thức:

–  Phân tích được một số nội dung cơ bản về y sinh học và vận dụng các kiến thức này trong phân tích các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

–  Phân tích được nguyên nhân và cơ chế gây bệnh; vận dụng được vào phân tích các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng cơ bản, từ đó lập kế hoạch chăm sóc và điều trị dinh dưỡng cho người bệnh.

–  Thực hiện được các phương pháp sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho người bệnh và cộng đồng;

–  Áp dụng được các kiến thức để phát hiện, phân loại và xử trí các vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm ở cộng đồng.

–  Áp dụng được kiến thức để xây dựng kế hoạch can thiệp dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong bối cảnh cụ thể của người bệnh và cộng đồng.

–  Đánh giá được chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

6.2 Về kỹ năng (bao gồm kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm):

–  Thu thập, phân tích và phiên giải, đánh giá thông tin về sức khỏe và dinh dưỡng của người bệnh và cộng đồng.

–  Phát hiện các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và đề xuất các can thiệp cho các vấn đề sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng của người bệnh và cộng đồng.

–  Thực hiện thành thạo kỹ năng sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh và cộng đồng.

–  Tham gia lập kế hoạch và đánh giá chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh và cộng đồng.

–  Sử dụng một số kỹ thuật cơ bản trong giám sát và đánh giá về an toàn thực phẩm tại cơ sở.

–  Thực hiện tư vấn và truyền thông giáo dục dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người bệnh và cộng đồng

–  Tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả can thiệp dinh dưỡng và thực phẩm cho người bệnh và cộng đồng.

–  Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến dinh dưỡng và thực phẩm.

7. Cơ hội học bổng:

Theo chính sách chung của Bộ giáo dục và đào tạo và của trường Đại học Trà Vinh.

8. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:

   Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Dinh dưỡng có thể đảm nhận công việc tại các đơn vị: Khoa dinh dưỡng tại bệnh viện, bếp ăn tập thể tại trường học và xí nghiệp; cơ sở chế biến thực phẩm ngành thể thao, các trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trung tâm tư vấn dinh dưỡng, trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng, các cơ sở sản xuất và phân phối thực phẩm có hoạt động giám sát và kiểm định chất lượng dinh dưỡng.

9. Cơ hội sau đại học:

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân dinh dưỡng, người học có khả năng tiếp tục học tập và ghiên cứu ở các bậc học cao hơn ở trong và ngoài nước: Học tiếp lên Thạc sĩ Dinh dưỡng, Tiến sĩ Dinh dưỡng

10. Liên hệ:

 Bộ môn Dinh dưỡng, Khoa Y- Dược, Trường Đại học Trà Vinh

Địa chỉ: 126, Nguyễn Thiện Thành, Khóm 4, Phường 5, Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Điện thoại: Ths. Nguyễn Lê Thanh Trúc – 0939.800.474