Cơ hội và thách thức cho sinh viên ngành Luật trong thời kỳ hội nhập

0
8168

(TVU) – Nhiều người thường nghĩ rằng cứ học luật thì ra trường sẽ làm luật sư hay thẩm phán. Tuy nhiên, nhu cầu việc làm ngành Luật hiện nay đang rất rộng mở dành cho các sinh viên đang theo học luật đặc biệt trong thời kỳ nước ta đang hội nhập.

Tọa đàm: Cơ hội và thách thức ngành Luật trong thời kỳ hội nhập

Với xu hướng phát triển của nền kinh tế – xã hội, nước ta là một xã hội thượng tôn pháp luật, bên cạnh đó luôn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết, vì vậy nhu cầu nghề nghiệp ở nhóm ngành luật cũng ngày càng tăng cao.

Cơ hội và thách thức cho ngành Luật hiện nay

Chia sẻ với hơn 600 sinh viên ngành Luật của ĐH Trà Vinh tại buổi tọa đàm về cơ hội và thách thức của ngành Luật trong thời kỳ hội nhập diễn ra vào 16.4, Luật sư Phạm Ngọc Dũng – Văn phòng Luật sư Gia Thành nói: “Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với sự phát triển ngành nghề trong xã hội, mở ra thời kỳ Luật pháp được số hóa. Vì thế, ngành Luật cần tăng cường nghiên cứu, nắm bắt xu thế mới công nghệ kỹ thuật, các phạm vi điều chỉnh luật của Việt Nam và thế giới.”

Cũng theo Luật sư Dũng, một trong những thách thức quan trọng nhất đối với sinh viên ngành Luật hiện nay là áp lực cạnh tranh trong ngành và áp lực bị đào thải, nên yêu cầu sinh viên phải có năng lực chuyên môn vững vàng, và phải tự trang bị các kỹ năng mềm cần thiết đảm bảo khả năng tư vấn tốt nhất cho khách hàng, nắm bắt và xử lý tốt các tình huống liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Xu thế đào tạo hiện nay của các trường đại học, hầu hết các chương trình đào tạo, sinh viên đều được trang bị kiến thức và kỹ năng toàn diện, làm việc trong môi trường năng động. Nhưng đối với sinh viên ngành Luật phải nắm thật vững và rõ chuyên ngành, đồng thời luôn cập nhật và trau dồi về kiến thức kinh tế xã hội, không ngừng học hỏi, quan sát thực tế cuộc sống, tư duy độc lập, phân tích phán đoán đề xuất và giải quyết vấn đề pháp lý hiệu quả,…

Luật sư Nguyễn Hoàng Dương – Giảng viên chính, Diễn giả của Brian Tracy Training VietNam cho rằng: “Để theo đuổi đam mê với nghề Luật, Sinh viên cần trang bị các kỹ năng mềm như: kỹ năng đặt mục tiêu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định, và rèn luyện các đức tính cần thiết cho công việc như trung thực, kỷ luật, tự tin, lắng nghe,… Và điều quan trọng các em phải tự nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể nghiên cứu tài liệu và xử lý các hồ sơ liên quan đến yếu tố nước ngoài”.

Ngành Luật tại ĐH Trà Vinh được định hướng phù hợp với thị trường lao động

Hiện nay, nhu cầu thị trường ngành luật nói chung và luật sư nói riêng tại Việt Nam tiếp tục tăng cao, trong bối cảnh nhà nước tiến hành cải cách tư pháp, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, trong đó luật quốc tế là một trong những mục tiêu và điểm đến của sinh viên ngành Luật.

TS. Lê Thị Thu Diềm, Phó trưởng khoa Kinh tế – Luật – ĐH Trà Vinh cho biết: Trước những thay đổi của môi trường kinh tế xã hội trong giai đoạn hội nhập, Khoa Kinh tế, Luật đã chủ động đánh giá chương trình đào tạo nhằm cải tiến theo hướng trang bị các kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho các em.

Tiếp nối triển khai mô hình Phiên tòa giả định, cuộc thi “Tuổi trẻ với pháp luật”, Khoa thường xuyên tổ chức buổi tọa đàm, báo cáo chuyên đề, các buổi nói chuyện của chuyên gia xen kẽ trong chương trình đào tạo, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp thu kiến thức thực tế, nâng cao kỹ năng mềm, nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Sinh viên Huỳnh Thanh Thống chia sẻ: Với phiên tòa giả định hàng năm em đã từng tham gia, mang lại kinh nghiệm thực tế, bổ ích cũng như rèn luyện kỹ năng căn bản cho các sinh viên ngành Luật. Qua thực tế cho thấy đây là môi trường học tập hấp dẫn nhất và nó sẽ giúp em trải nghiệm thú vị để thực hiện ước mơ trở thành luật sư trong tương lai.

Trên 600 sinh viên ngành Luật của ĐH Trà Vinh được các diễn giả định hướng nghề nghiệp cho tương lai

Môi trường việc làm nào cho sinh viên ngành Luật?

Theo tiến sĩ Lê Thị Thu Diềm, các sinh viên ngành Luật có thể trở thành thẩm phán, thư ký tòa, kiểm soát viên, công chức viên, cơ quan tư vấn pháp luật, công ty luật, văn phòng luật sư và trở thành luật sư trong tương lai.

Đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp 4.0, các sinh viên phải mở rộng tầm nhìn và định hướng phát triển bản thân ở môi trường quốc tế. Các em học ngành Luật cần được định hướng đúng để tiếp cận và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các em.

Các chuyên gia về lĩnh vực này cũng khuyên các sinh viên rằng: Các ngành nghề thuộc nhóm ngành Luật luôn có yêu cầu về khả năng chuyên môn rất cao, cùng quá trình rèn luyện rất khắt khe nhằm đảm bảo rằng người giữ các vị trí hành nghề cao hơn như luật sư và thẩm phán, sinh viên phải có đủ tư cách và phẩm chất đạo đức để hành nghề. Vì vậy, các sinh viên đã theo đuổi đam mê, phải thật sự nghiêm túc và xác định phương hướng phát triển bản thân trong ngành ngay từ khi bắt đầu học năm nhất.

Do đó, việc đào tạo sinh viên các chuyên ngành nói chung phải có kiến thức và kỹ năng toàn diện, làm việc trong môi trường năng động và sinh viên ngành Luật của ĐH Trà Vinh được trang bị kiến thức cơ bản, về kinh tế xã hội, chuyên ngành, cung cấp các kỹ năng cần thiết để hành nghề gồm: Kỹ năng hùng biện, nhận định và phân tích, giải quyết vấn đề, đàm phán thương lượng, soạn thảo hợp đồng và kỹ năng hội nhập trong môi trường toàn cầu, trang bị về đạo đức nghề nghiệp và cạnh tranh trong môi trường hội nhập, toàn cầu hóa.

Hồng Xuyến – Huỳnh Như