Hội thảo khoa học: Văn hóa Nam Bộ – Những vấn đề lý luận và thực tiễn

0
343

(TVU) – Ngày 26/08, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hóa Nam Bộ – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Tham dự hội thảo về phía khách mời có Ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh, Hòa thượng Tiến sĩ Danh Lung, Hội đồng Trị sự GHPGVN TP.HCM, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, TS. Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, TS. Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức và các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các học viên quan tâm cùng tham dự.

Về phía Trường ĐH Trà Vinh có TS. Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng, TS. Liêu Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường  ĐH Trà Vinh, TS. Mai Mỹ Duyên, Chuyên gia Trường ĐH Trà Vinh và đại diện phòng, ban  thuộc trường, cùng viên chức, giảng viên của Trường Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn tham dự.

TS. Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói: Nam Bộ là vùng đất đặc trưng của nhiều thành tố văn hóa, giúp tạo nên một tổng thể văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, chúng ta phải có một tầm nhìn mới, phương pháp mới để khai thác triệt để các đặc trưng và giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung và văn hóa Nam Bộ nói riêng.

Phó Hiệu trưởng ghi nhận và cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các học viên chia sẻ, thảo luận và đóng góp ý kiến về chủ đề nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, đây là cơ hội quý báu cho giảng viên, sinh viên trường ĐH Trà Vinh hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu. cũng như cùng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu báo cáo phân tích những đặc trưng văn hóa của các tộc người, vai trò của các di sản văn hóa đối với cộng đồng, từ đó đóng góp vào công tác phát huy các giá trị văn hóa Nam Bộ trong xã hội đương đại.

Các đại biểu tập trung thảo luận, nghiên cứu xác định giá trị di sản văn hóa để bảo tồn, giữ gìn, lan tỏa các yếu tố ảnh hưởng giá trị văn hóa Nam Bộ, phân tích các biểu tượng tồn tại trong nền văn hóa Nam Bộ, nghiên cứu về văn hóa Khmer,…

NCS. Nguyễn Văn Phúc nghiên cứu văn hóa Việt – Khmer qua hình thức cư trú, nhà ở và đi lại tại Trà Vinh, chỉ ra rằng sự biến đổi về hình thức cư trú, nhà ở và đi lại của cộng đồng người Việt và Khmer tại Trà Vinh, hai dân tộc có sự biến đổi vật chất và tinh thần, dần có sự giao thoa, sống xen kẽ trong một khu vực dường như hình thành các nét văn hóa tương đồng trong cuộc sống.

TS. Tăng Văn Thòn, giảng viên ĐH Trà Vinh phân tích cụ thể về quan niệm của người Khmer về các phong tục dựng vợ gả chồng. Đặc biệt về vai trò nam và nữ trong gia đình, việc học đã trở thành truyền thống của nam giới, nam giới được xem như tru cột của gia đình, trong khi nữ giới phải làm tròn bổn phận người mẹ, người con, chăm sóc gia đình.

TS. Mai Mỹ Duyên, chuyên gia Trường ĐH Trà Vinh đánh giá cao các bài tham luận của các nhà nghiên cứu trong hội thảo. Trong 50 bài tham dự hội thảo, Ban tổ chức chọn ra 4 bài tham luận được đánh giá là mang tính thực tiễn, gắn liền với văn hóa Nam Bộ. Các bài tham luận với chủ đề chính xoay quanh tín ngưỡng tôn giáo và lễ hội; di sản, nghệ thuật và du lịch; giao lưu các nền văn hóa của vùng đất Nam Bộ trong quá trình phát triển. Thông qua hội thảo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các học viên có cái nhìn sâu sắc về nền văn hóa Nam Bộ, mở ra một định hướng mới trong các nghiên cứu tiếp theo.

 TS. Liêu Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn, Nam Bộ là vùng đất nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử, con người do đó những nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa nên được tiếp tục thực hiện và phát huy.

Hội thảo khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ trong phát triển bền vững cũng như thể hiện vai trò Trường ĐH Trà Vinh tiên phong  kết nối cùng các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục gắn với thực tiễn hướng đến các giá trị phát triển bền vững.

Trần Trầm – Hoàng Tính

TS-HH