Kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu Dù kê hình thành và phát triển

0
906

(TVU) – Sáng ngày 25.10, tại Trường Đại học Trà Vinh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù kê – 100 năm hình thành và phát triển”. Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu các nhà khoa học, nhà quản lý và nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc tham dự.

Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, kiến nghị giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý và các nghệ nhân, nghệ sĩ về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu Dù kê. Từ đó ghi nhận các thành tựu, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt 100 năm hoạt động của loại hình nghệ thuật này. Đồng thời đóng góp tư liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sân khấu Dù kê rộng rãi trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể  thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh khẳng định: “Nghệ thuật sân khấu Dù kê là loại hình kịch hát độc đáo của cộng đồng người Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có những đóng góp quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, tiếp thêm sức mạnh, tinh thần để con người vượt qua khó khăn trong cuộc sống.”

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết: Những thành tựu đạt được của nghệ thuật sân khấu Dù kê đã làm nên động lực, động viên to lớn cho các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ, nghệ nhân và đồng bào Khmer Nam Bộ tiếp tục phát huy, tiếp tục cống hiến những vở Dù kê hay hơn và thành công hơn.

Trong 40 bài tham luận của các tác giả, nghệ nhân, nghệ sĩ gửi về xây dựng kỷ yếu, có 6 bài tham luận được trình bày gồm: Tham luận “Nghệ thuật sân khấu Dù kê – 100 năm hình thành và phát triển” của NSƯT Thạch Sết, nguyên Phó Giám đốc Đài PT&TH Trà Vinh;  Tham luận “Sân khấu Dù kê Trà Vinh – Giao lưu và tiếp biến văn hóa” của NSƯT Thạch Sung, Phó Trưởng đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh; Tham luận “Nghệ thuật sân khấu Dù kê trong lòng khán thính giả hiện nay” của soạn giả Thach Mu Ni, Phó Trưởng ban dân tộc tỉnh Trà Vinh; Tham luận “Về nguồn gốc nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam Bộ” của nghệ sĩ Đào Chuông, Phó Trưởng đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang; Tham luận “Giá trị nhân sinh quan – Thế giới quan của người Khmer Nam Bộ biểu hiện trong nghệ thuật sân khấu Dù kê” của TS.NS Sơn Ngọc Hoàng, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng và tham luận “Định hướng bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam Bộ của tác giả Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh.

Trình bày tham luận “Nghệ thuật sân khấu Dù kê – 100 năm hình thành và phát triển”, NSƯT Thạch Sết, nguyên Phó Giám đốc Đài PT&TH Trà Vinh khái quát lịch sử hình thành và quá trình phát triển, thực trạng của nghệ thuật sân khấu Dù kê hiện nay cùng các đề xuất, kiến nghị góp phần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu Dù kê. Cũng như nhận định những thuận lợi và khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật sân khấu Dù kê. Qua đó, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù kê – 100 năm hình thành và phát triển” là diễn đàn gặp gỡ giữa các nghệ sĩ và nghệ nhân sân khấu Dù kê, các đoàn nghệ thuật với nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và đơn vị đào tạo để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ.

Tôn vinh giá trị nghệ thuật, góp phần nâng cao nhận thức trong vấn đề bảo tồn và phát huy, đào tạo cán bộ, giảng viên giảng dạy, chuyên nghiệp hóa đội ngũ sáng tác, biểu diễn, phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ phù hợp với đời sống đương đại. Khơi dậy niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và Nhân dân tỉnh Trà Vinh nói chung về sản phẩm văn hóa tinh thần tiêu biểu của quê hương Trà Vinh.

Trong khuôn khổ các chương trình Hội thảo, các đại biểu được thưởng thức các trích đoạn Dù kê với sự kết hợp phong phú và độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống như dàn nhạc ngũ âm, đàn cò, sáo và kèn do chính các nghệ sĩ, nghệ nhân biên kịch, dàn dựng và biểu diễn.

Chiều cùng ngày, các đại biểu cùng tham dự Họp mặt chương trình Kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu Dù kê hình thành và phát triển.

Nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam Bộ đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp ở Quy Nhơn (Bình Định), nghệ thuật sân khấu Dù kê được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận “Là loại hình kịch hát dân tộc nằm trong hệ thống sân khấu truyền thống Việt Nam”.

Hoàng Nam – Trúc Ly