Sự băn khoăn chọn nghề trước khi ra trường

0
236

(TVU) – Ra trường làm cho doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước hay kinh doanh tự do? Hướng nào cho bạn? – đó là chủ đề giao lưu cùng cựu sinh viên thành đạt diễn ra sáng 28/11, tại Trường Đại học Trà Vinh với đông đảo sinh viên tham dự.

Trong hành trình chập chững từ ký túc xá đến quảng trường lễ tốt nghiệp, sinh viên đối mặt với một quyết định lớn lao và đầy áp lực – chọn nghề nghiệp cho tương lai. Sự băn khoăn này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà còn là cột mốc quyết định việc làm, mức thu nhập, và sự hài lòng nghề nghiệp. Trong quá trình này, sinh viên thường phải đối mặt với quyết định giữa việc làm tại doanh nghiệp, tự kinh doanh hoặc chọn con đường nghề nghiệp trong các cơ quan nhà nước.

Một số sinh viên lựa chọn bước vào thế giới doanh nghiệp, nơi họ có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực và thăng tiến sự nghiệp theo hình thức thăng lên cấp bậc.

Anh Ngô Hồng Khanh, Cựu sinh viên TVU đang làm việc tại Viettel cho biết, mỗi người có định hướng chọn ngành và chọn nghề cho riêng mình. Khi ra trường tâm lý chung sinh viên đều muốn chọn nơi có việc làm ổn định, thu nhập khá, cơ hội thăng tiến tốt, đều quan trọng là phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Từ đó có thể đóng góp tốt hơn, mang giá trị cho doanh nghiệp và giảm bớt thời gian tiếp cận công việc. Anh chọn doanh nghiệp vì đây là nơi phù hợp để phấn đấu, phát triển bản thân và cơ hội thăng tiến.

Do đó, công ty tư nhân hoặc tập đoàn lớn trở thành mục tiêu với những lợi ích về mức thu nhập cao, chính sách phúc lợi hấp dẫn và cơ hội thăng tiến rõ ràng. Tuy nhiên, những thách thức như áp lực công việc, thời gian linh hoạt và sự cạnh tranh gay gắt cũng là những điều mà sinh viên cần đối mặt khi bước vào lĩnh vực này.

Ngược lại, có những sinh viên đam mê ý tưởng kinh doanh của chính mình. Họ chọn con đường tự kinh doanh để thể hiện sự sáng tạo và độc lập. Việc này mang lại cho họ quyền tự chủ cao, quyết định tất cả từ sản phẩm, dịch vụ đến chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, cùng với sự tự do là rủi ro lớn, với áp lực tài chính, quản lý doanh nghiệp và khả năng chịu đựng thất bại là những thách thức mà họ phải đối mặt.

Đơn cử như anh Trầm Minh Thuần, bỏ lại sau lưng phố thị đô hội trở về làng, lấy cảnh ruộng đồng lấm lem bùn đất thay nhiệm sở, gây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Nhìn lại 10 năm của bản thân, anh tự tin trả lời câu hỏi đề thi văn thuở cắp sách đến trường: Thế nào là sống đẹp?

Hay anh Lương Mạnh Dương, anh Nguyễn Văn Đệ,… là những gương điển hình cựu sinh viên thành đạt của TVU, sau khi ra trường tự quyết định theo con đường tự kinh doanh, làm chủ và tạo cơ hội việc làm cho nhiều người khác.

Một số sinh viên quyết định chọn nghề nghiệp trong hệ thống nhà nước, việc làm này thường đi kèm với sự ổn định về mặt thu nhập, chính sách an sinh xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp trong hệ thống. Tuy nhiên, điều này cũng có thể mang lại cảm giác bị ràng buộc bởi quy định, thủ tục công việc,…

Theo Ths. Nguyễn Văn Vũ An Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh, giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo & Khởi nghiệp cho biết, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đối diện với quyết định quan trọng trong hành trình tương lai của chính mình trong việc chọn làm việc cho một doanh nghiệp, xin vào cơ quan Nhà nước hoặc kinh doanh tự do. Theo ông, không có lựa chọn nào đúng hay sai mà mỗi hướng đều có ưu và nhược điểm riêng.

Đó là lý do hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp được Trường ĐH Trà Vinh quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua. Thông qua hoạt động hỗ trợ, lan toả tinh thần khởi nghiệp dành cho sinh viên cũng như đào tạo các kiến thức, kĩ năng giúp tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên khi ra trường có lựa chọn, định hướng đúng đắn.

Cùng đưa ra lời khuyên cho các sinh viên về lựa chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp, các anh chị cựu sinh viên như Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo – Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu kè ( VICOSAP ); Anh Huỳnh Hoàng Khang – Giám đốc Chuyển Đổi Số MobiFone Tỉnh Trà Vinh, thành viên Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh, anh Nguyễn Thành Gia Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Tư vấn và Đào tạo Song Yến, Thành viên HĐCV khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh cho rằng: Trong quá trình đưa ra quyết định này, sinh viên thường phải cân nhắc giữa đam mê cá nhân, mục tiêu sự nghiệp và hoàn cảnh của gia đình, khám phá bản thân, tìm hiểu về thị trường lao động và đặt ra những câu hỏi sâu sắc về sự hài lòng cá nhân là những bước quan trọng. Không có con đường nghề nghiệp nào là hoàn toàn đúng hoặc sai, mà là sự phù hợp với cá nhân từng người.

Minh Phương – Quang Vinh
TS-ĐL