Tập huấn kỹ năng giảng dạy với mô hình BOPPPS và mô hình CARD

0
2343

(TVU) – Ngày 29.10.2015, Khóa tập huấn về Kỹ năng giảng dạy cho nhóm giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương đã kết thúc đầy ấn tượng tại Trường Đại học Trà Vinh . PGS.TS. Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Nhà trường đến dự và trao chứng nhận cho các giảng viên.

Đây là lần thứ ba Trường Đại học Trà Vinh tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy cho nhóm giảng viên nguồn của Trường Đại học Thủ Dầu Một theo chương trình thỏa thuận hợp tác giữa hai trường.

Khóa tập huấn gồm 12 giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một, diễn ra từ ngày 26.10 đến 29.10.2015, do ông Andrew Marchand, chuyên gia về giáo dục của Canada, phối hợp với Trung tâm Hỗ Trợ Phát Triển Dạy và Học, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức.

Tham gia khóa học, các giảng viên được làm quen với phương pháp giảng dạy đang được áp dụng tại các nước Bắc Mỹ, nổi bật nhất là mô hình BOPPPS và mô hình CARD.


TS. Lê Tuấn Anh, Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hành tiết giảng nhỏ 10 phút
Các giảng viên trực tiếp ứng dụng mô hình BOPPPS và CARD thông qua 03 bài giảng nhỏ dưới sự hỗ trợ của nhóm điều phối viên Trường Đại học Trà Vinh. Sau mỗi bài giảng, các giảng viên chia sẻ với nhau một cách cởi mở và chân thành về những điểm mạnh và những điểm cần cải thiện.

Bên cạnh đó, các giảng viên cùng chuyên gia và điều phối viên dành thời gian cho việc chia sẻ và thảo luận một số vấn đề về phương pháp giảng dạy đại học hiện nay.

Kết thúc khóa tập huấn, PGS. TS. Khạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cùng Chuyên gia Andrew Marchand trao chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn và chụp hình lưu niệm cùng với các giảng viên.

Mô hình BOPPPS bao gồm:

1. B Liên hệ (Bridge-in): Bắt đầu của vòng tuần hoàn lớp học nhỏ, thu hút sự chú ý của học sinh, xây dựng sự hưng phấn và giải thích tại sao bài giảng quan trọng.

2. O Mục tiêu/ Kết quả (Objective or Outcome): Giải thích rõ ràng và cụ thể những gì sẽ làm, giải thích những gì học sinh cần biết, cần suy nghĩ và những gì họ có được sau khi khóa học kết thúc.

3. P Đánh giá trước giảng dạy (Pre-assessment): Trả lời câu hỏi, “Học sinh trước đây đã biết những gì về bài học?”

4. P Tham gia học tập (Participatory learning): Đây là phần thân bài của bài giảng. Học sinh cần phải tham gia tích cực trong bài giảng. Cần có một loạt các hoạt động giúp học sinh đạt được những mục tiêu đặt ra. Có thể sử dụng các phương tiện truyền thông trong giảng dạy.

5. P Kiểm tra sau giảng dạy (Post- assessment): Đánh giá học sinh đã nắm bắt bài giảng chưa, và liên hệ trực tiếp đến mục tiêu đặt ra.

6. S Tóm tắt/Tổng kết (Summary/Closure): Tạo cơ hội cho học viên phản hồi, ôn lại ngắn gọn và tổng kết những gì đã học được.

Mô hình CARD bao gồm:

1. Context – Hoàn cảnh liên quan đến sự chú ý tập trung và chú ý nêu ra. Khi phát triển một hoàn cảnh, cần chú ý các ý sau đây, khi cần thiết:

Gì: Cái gì là kết quả quan sát được trong phần này? Cần có nền tảng hoặc thông tin giới thiệu gì? Học viên cần được nhắc nhở điều gì? Chuẩn bị cho cái gì? Với thước đo gì? Theo nguyên tắc gì?

Tại sao: Tại sao chúng ta phải làm hoặc phải biết điều này? Cần chú ý đến động lực nào thúc đẩy học viên muốn học về vấn đề?

Như thế nào: Lớp học sẽ được bắt đầu như thế nào? Với những chỉ dẫn, quá trình như thế nào?

Môi trường: cần sắp xếp không gian lớp học như thế nào? Không khí như thế nào thì thích hợp?

2. Activity – Hoạt động tập trung vào học như thế nào hơn là học cái gì. Những hoạt động gì sẽ hỗ trợ hoặc ngăn cản việc học?

3. Reflect – Suy ngẫm: khi đề cập đến những hoạt động phản hồi, chú ý trình tự của ít nhất 4 câu hỏi được sử dụng để bắt đầu và hỗ trợ cho quá trình phản vd : • Điều gì đã xảy ra ? • Anh (chị) nghĩ gì về nó? Cảm thấy như thế nào? • Anh (chị) đã học được gì ? • Anh (chị) sẽ làm gì?

4. Documentation – Tư liệu: Học viên sẽ đem về những gi? (Nếu có)

Thiện Thuận – Hải Trà