Trà Vinh: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển và liên kết vùng

0
2176

(TVU) – Ngày 14/1/2020, UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với trường ĐH Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học về “Khai thác tiềm năng kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” trong dịp Trà Vinh tổ chức kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Trà Vinh.

Tại hội thảo, có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo trung ương, các tỉnh, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và các địa phương về tham dự. Có hơn 36 bài tham luận và nhiều ý kiến về lĩnh vực, tiềm năng kinh tế biển và đề xuất các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh và khu vực thời gian tới.

Mục tiêu của Trà Vinh về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 

Trà Vinh là tỉnh nằm ở cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra biển Đông, có Cảng Định An đang thi công, là cảng biển lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây được xem là cửa ngõ huyết mạch, duy nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Cảng Định An trong đê chắn sóng có điều kiện để phát triển thành hệ thống cảng với khả năng tiếp nhận được tàu có trọng tải kết nối thuận lợi với các tỉnh trong nội địa và cả Vương quốc Campuchia qua sông Hậu.

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Trà Vinh đã đạt được nhiều thành tựu và có điều kiện thuận lợi, khách quan để phát triển kinh tế biển, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng không chỉ riêng của Trà Vinh mà còn tác động lớn đối với sự phát triển ổn định của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển kinh tế biển

Ông Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch tỉnh Trà Vinh cho biết: Trà Vinh được Trung ương quan tâm quy hoạch và đầu tư nhiều công trình trọng điểm mang tầm quốc gia như: Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Khu kinh tế Định An. 

Bên cạnh đó, Tỉnh đã chủ động thu hút được nhiều nhà đầu tư trên các lĩnh vực hạ tầng cảng biển, điện gió, điện mặt trời, chế biến thủy hải sản, du lịch…

Ông cũng cho biết những thuận lợi trong phát triển kinh tế biển Trà Vinh, vì tỉnh có hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư phát triển khá, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cả giao thông đường thủy và đường bộ.

Đặc biệt, Trà Vinh hiện có 01 trường đại học, 02 trường cao đẳng và hệ thống trường dạy nghề. Riêng Trường Đại học Trà Vinh có hơn 20.000 sinh viên theo học, hằng năm tốt nghiệp ra trường và cung cấp cho thị trường lao động từ 4.000 – 5.000 lao động. Đây là một trong những nguồn lực to lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của tỉnh.

Tỉnh có tiềm năng rất lớn trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch; nhất là công nghiệp chế biến với nguồn nguyên liệu dồi dào. Khu công nghiệp (Long Đức, Cổ Chiên, Cầu Quan) và nhiều cụm công nghiệp đang được đầu tư. Tỉnh có khả năng phát triển thành trung tâm công nghiệp chế biến nông sản và xuất khẩu. Năng lượng tái tạo cũng là một trong những tiềm năng rất lớn của Tỉnh đang và sẽ được tập trung khai thác.

Với những tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, Trà Vinh có điều kiện thuận lợi, khách quan để phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển của khu vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 Tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển tại Trà Vinh dưới góc nhìn của nhà khoa học

Ông Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng: Trà Vinh đóng vai trò trung tâm có điều kiện thuận lợi về phát triển giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thương mại dịch vụ, du lịch và giao lưu văn hóa với tất cả vùng miền trong nước và quốc tế. Đây là lợi thế, không phải tỉnh nào ở khu vực cũng có được. 

PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Trường ĐH Ngoại Thương cho biết, Trà Vinh được Trung ương đặc biệt quan tâm, có rất nhiều chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước và vùng ĐBSCL về phát triển kinh tế biển và hệ thống logistics đã đề cập đến việc ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở tầng tại Trà Vinh.  

Trà Vinh có vị trí địa lí rất thuận lợi tạo ra lợi thế phát triển đường thủy rất mạnh, và tiềm năng phát triển vận tải đa phương thức. Khi thế mạnh được khai thác sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững về vận tải, giảm thiểu ô nhiễm tới môi trường cho cả vùng ĐBSCL. 

Khu kinh tế Định An là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị, nông lâm ngư nghiệp gắn với kinh tế biển, là cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL và duyên hải Nam Bộ. Sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics có xu hướng gia tăng nhanh.  

Ông chỉ ra các thế mạnh vẫn chưa khai thác từ phía tỉnh: Chưa kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics: Chưa xây dựng chiến lược phát triển logistics của tỉnh dựa trên chiến lược phát triển hệ thống cảng biển; Chưa xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hoá xuất khẩu điển hình của tỉnh; Chưa thực sự gắn kết phát triển nguồn nhân lực với các thế mạnh tiềm năng của tỉnh và vùng trong lĩnh vực logistics, quản lý chuỗi cung ứng và kinh tế biển.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Diềm, ĐH Trà Vinh chỉ ra những thuận lợi và thách thức của Ngành dịch vụ cảng biển. Theo tiến sĩ Thu Diềm, ngành logistics được coi là một trong những ngành định hướng phát triển tương lai tại tỉnh Trà Vinh tới đây. Đến nay, ngoài chủ trương, chính sách, pháp luật quy định quốc gia và quốc tế đối với các hoạt động phát triển ngành, tỉnh Trà Vinh cũng đã có nhiều động thái chính sách nền tảng cơ bản để kiến thiết cho việc hình thành, thu hút và phát triển ngành dịch vụ cảng biển tại tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Thanh (ĐH Trà Vinh): Phát triển du lịch biển giúp nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và phúc lợi cho cộng đồng cư dân ven biển. Ngoài đội ngũ lao động chuyên nghiệp, việc phát triển du lịch biển còn góp phần to lớn trong việc giải quyết việc làm cho cư dân địa phương họ có thể là những người lao động theo thời vụ, những người thợ trong các làng nghề thủ công, các đối tượng hỗ trợ cho các dịch vụ du lịch… Đây sẽ là điều kiện để họ phát huy những năng lực và tiềm năng của mình để tạo thêm thu nhập. Kích thích sự phát triển của cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật vùng ven biển, làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế – xã hội vùng ven biển. 

Một số nghiên cứu của các tác giả đến từ viện trường trong nước cho thấy, Trà Vinh còn rất nhiều tiềm năng tiềm ẩn cần được khai thác, đặc biệt về lĩnh vực phát triển văn hóa, du lịch gắn khai thác kinh tế biển tại địa phương. Qua đó, đề xuất một số giải pháp cụ thể về đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch biển; tăng cường kết nối thu hút vốn đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển và hướng tới sản phẩm có giá trị cao, đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường công tác quản lý nhà nước hiệu quả, tiếp tục phối hợp giữa các ngành, mở rộng hợp tác liên kết khu vực và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch biển gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch biển.

Việc khai thác và phát triển kinh tế biển phải gắn liền với tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, phát triển chuỗi cung ứng thủy sản, giải pháp và các chính sách kêu gọi vốn đầu tư, tín dụng, khai thác cảng biển nước sâu, quy hoạch xây dựng nông thôn tại các xã ven biển và vai trò đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế biển hiện nay.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các nhà quản lý, nhà khoa học về các vấn đề chiến lược phát triển kinh tế biển trong bối cảnh của Trà Vinh hiện nay.

Ông Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các nhà khoa học, nhà đầu tư, tiếp tục đóng góp những ý kiến phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là cơ sở, điều kiện cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện để trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng; đề xuất biện pháp, giải pháp, định hướng chiến lược để đánh thức và khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh Trà Vinh, góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của vùng, đất nước. Qua đó, đúc kết được những vấn đề cần tập trung đột phá và những điểm nghẽn, khó khăn cần có sự hỗ trợ của Trung ương để đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tại Trà Vinh xứng tầm chiến lược.

Thanh Sơn – CLB Truyền thông