Chương trình tọa đàm giữa sinh viên và doanh nghiệp

0
2210

(TVU) – Sáng ngày 16 tháng 1 vừa qua, Khoa Nông Nghiệp –Thủy Sản Trường Đại học Trà Vinh đã tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ giữa Doanh nghiệp và sinh viên Khoa Nông Nghiệp –Thủy Sản.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện các Công ty, Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cùng các Thầy Cô là giảng viên giảng dạy tại Khoa Nông Nghiệp –Thủy Sản và hơn 200 sinh viên đang theo học tại Khoa.

TS. Lâm Thái Hùng – Trưởng Khoa Nông Nghiệp –Thủy Sản nói: “Đây là một hoạt động trong khuôn khổ gắn kết chặt chẽ, hợp tác sâu rộng giữa khoa với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho các chương trình đào tạo Coop của Trường, cũng như cầu nối trao đổi giữa sinh viên với Doanh nghiệp. Các em sinh viên thông qua chia sẻ của Doanh nghiệp có định hướng nghề nghiệp tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội ứng dụng chuyên môn qua thực tập thực tế, làm việc cho các Công ty trong thời gian còn đang học, và từng bước khẳng định khả năng, sự sáng tạo của mình thông qua việc học lý thuyết ở trường, sử dụng kiến thức thực tập, làm việc.”

Tại buổi toạ đàm, các vị khách mời đã giới thiệu về Công ty, Doanh nghiệp của mình tới các bạn sinh viên và với Khoa. Đồng thời chia sẻ về một số vấn đề:

Ông Hồ Văn Đức, Giám đốc Kinh Doanh Công ty Cổ Phần Chăn nuôi CP Việt Nam nói: “Đối với Trường Đại học Trà Vinh, bộ phận nhân sự của Công ty đã tuyển dụng được nhiều sinh viên ra trường. Hy vọng sự hợp tác chặt chẽ sẽ giúp sinh viên không chỉ có kiến thức nhà trường mà còn có kiến thức thực tế. Mong sẽ trả lời được tất cả câu hỏi của các bạn sinh viên quan tâm đến Công ty”.

Ông Hoàng Văn Bắc, Phó Giám Đốc Công ty Cổ phần Thủy Sản Thông Thuận Trà Vinh cũng tâm sự: “Mong trong thời gian tới, Đại học Trà Vinh tổ chức nhiều đợt Coop tiếp theo cho sinh viên thực tập tại Thị xã Duyên Hải, Trà Vinh. Mong sinh viên đi thực tập làm việc tích cực hơn, tham gia nhiều hoạt động kỹ thuật chuyên sâu hơn để ra trường có thể nhanh chóng tự sản xuất, điều hành công nhân, trưởng thành nhanh hơn trong cuộc sống”.

Ông Hà Anh Hoài, Phó Giám Đốc điều hành Công ty Gia Phúc Việt Nam cũng chia sẻ: “Công ty muốn kết nối với nhà trường cho các bạn sinh viên thực tập, có tổ chức mô hình thực tế cụ thể. Công ty tạo mọi điều kiện cho sinh viên thực tập, làm việc. Mong sẽ trả lời câu hỏi các bạn sinh viên đặt ra”.

Trong buổi tọa đàm sinh viên đã đặt ra các câu hỏi cho các đại diện Doanh nghiệp về cơ hội việc làm trong và ngoài tỉnh.

Sinh viên Nguyễn Quang Trực, lớp Đại học Thú Y Coop khóa 2015 đặt câu hỏi cho Công ty CP: “Qua tìm hiểu em biết Công ty có chương trình thử nghiệm thức ăn, nước uống cho heo. Em là sinh viên năm 4, Công ty có sẵn sàng hỗ trợ vừa thực hiện chương trình Coop, vừa thực hiện đề tài tốt nghiệp song song hay không?, để tụi em góp một phần công sức cho chương trình thử nghiệm”.

Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Văn Đức –Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần CP Việt Nam cho biết: “Công ty mong chia sẻ công việc này với bạn Trực nói riêng, sinh viên nói chung trong thời gian thực tập tại CP. Các bạn quan tâm lĩnh vực nào, bàn trực tiếp với cán bộ thực hiện đề tài của mình. Chúng tôi sẽ có đủ điều kiện hỗ trợ các bạn về vấn đề đó”.

Bên cạnh đó, câu hỏi của sinh viên Dương Thị Ngọc Hương, lớp Đại học Thủy Sản khóa 2016 cũng được nhiều sự quan tâm: “Sau này khi trong thời gian đợi bằng tốt nghiệp có thể xin vào làm việc không? Và chế độ chính sách có khác với các nhân viên khác hay không”.

Về câu hỏi này, đại diện Công ty Thủy sản Thông Thuận Trà Vinh –Ông Hoàng Văn Bắc cho biết: “Sinh viên sau khóa thực tập chưa lấy bằng vẫn được tiếp nhận, một số sinh viên hiện tại làm việc rất tốt. Công ty sẽ tạo điều kiện cho các bạn va chạm thực tế, chọn lọc thành nhân viên chính thức. Chế độ lương bổng có lương theo sinh viên thực tập, thử việc, chính thức. Tạo điều kiện cho sinh viên đang đợi lấy bằng vẫn có cơ hội làm việc tại công ty”.

Ông Phạm Trần Sỹ Nguyên, Quản lý khu vực miền Tây Công ty Japfa cũng nói thêm: “Các bạn sinh viên cần có mục tiêu, hành động có kế hoạch, bắt đầu từ việc chuẩn bị kĩ càng về hồ sơ, tìm hiểu công việc sẽ làm gì, thường các bạn sinh viên thấy chỗ nào trống sẽ nộp hồ sơ vào, mà chưa hiểu rõ năng lực của mình có phù hợp với vị trí đó hay không, điều đó làm mất thời gian cho các bạn”.

Một số câu hỏi khác lần lượt được đặt ra xoay quanh về chế độ chính sách cho nhân viên, hỗ trợ từ công ty khi đi làm xa,…

Về vấn đề này, ông Hồ Anh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam nói: “Mức lương của sinh viên đại học tốt hơn so với cao đẳng và trung cấp. Đầu vào Công ty ngành kỹ thuật, kinh doanh là 8 triệu đồng. Sinh viên cần nỗ lực, phấn đấu để trở thành thành viên chính thức của CP. Việc các bạn chấp nhận đi xa, cống hiến cho Công ty sẽ được đền đáp. Đến với CP, các bạn sẽ là người thành công”.

Ông Phạm Trần Sỹ Nguyên, Quản lý khu vực miền Tây Công ty Japfa cho biết thêm: “Japfa sẽ trả lương theo kinh nghiệm, chế độ phúc lợi gắn bó với sinh viên lâu dài nhiều hơn. Quan trọng là sinh viên có chuyên ngành tốt, có sự độc lập khi làm việc”.

Cuối buổi tọa đàm, TS. Lâm Thái Hùng nói: “Qua buổi tọa đàm, hy vọng sinh viên sẽ có định hướng chuyên môn, kĩ năng rõ ràng hơn và nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Cám ơn đại diện các Công ty CP, Japfa, Thủy Sản Việt Nam, Gia Phúc, Minh Phú đã có sự chia sẻ chân tình và nhiều thông tin rất giá trị đến các em sinh viên, giúp các bạn sinh viên định hướng nghề nghiệp tốt hơn, chuẩn bị kĩ càng cho hành trang sau khi ra trường của mình”.

Bảo Đan (tin + ảnh)