Giảng viên khoa KT&CN tiếp cận quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO

0
289

(TVU) – Ngày 19.7, Khoa kỹ thuật và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra theo hướng tiếp cận CDIO” cho toàn thể giảng viên của Khoa. Mục đích của hội thảo nhằm giúp giảng viên của Khoa trao đổi về công nghệ giáo dục mới phù hợp với chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Tập thể giảng viên khoa Kỹ thuật và Công nghệ tham dự Hội thảo

CDIO (Conceive – hình thành ý tưởng; Design – thiết kế ý tưởng; Implement – thực hiện; Operate – vận hành), là khuôn khổ giáo dục trong các trường đại học khối ngành kỹ thuật trên toàn thế giới. Đây là một quy trình khoa học để sản xuất sản phẩm kỹ thuật được Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ – là đại học kỹ thuật đầu tiên, áp dụng làm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa chủ trì Hội thảo

Tại buổi làm việc, Thạc sĩ Võ Phước Hưng (Trưởng bộ môn CNTT) nhấn mạnh tầm quan trọng của CDIO, những điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ giảng viên, cũng như những cơ hội và thách thức nhằm xác định tầm nhìn chiến lược đến năm 2020.

Theo ông, việc thay đổi chương trình đào tạo  phải đáp ứng được chuẩn đầu ra mới giải quyết được vấn đề về  kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp của sinh viên ngành Kỹ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thạc sĩ Võ Phước Hưng báo cáo tại Hội thảo

Ông cũng đưa ra lợi ích khi xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận CDIO gồm:

Thứ nhất, đào tạo theo cách tiếp cận CDIO gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách đào tạo giữa nhà trường và nhà sử dụng nguồn nhân lực;

Thứ hai, giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi;

Thứ ba, các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ.

Được biết, khoa Kỹ thuật và Công nghệ đã xây dựng và đưa vào vận hành chương trình Đại học ngành Công nghệ Thông tin theo hướng tiếp cận CDIO cho sinh viên khóa 2014. Đến nay, Khoa đã đào tạo được 4 khóa theo hướng tiếp cận này. Tại các khóa học, sinh viên được trải nghiệm trong các phòng thực hành nghề nghiệp; có môi trường học tập tích cực, chủ động, sáng tạo.

Chương trình nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên: chuẩn đầu ra rõ ràng, tăng cường thực hành kỹ năng, khuyến khích việc học tập chủ động, đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra. Điều này giúp sinh viên phát triển hiệu quả các kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp mà xã hội yêu cầu. Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra mới theo mô hình CDIO sẽ có cơ hội việc làm cao hơn.

Dịp này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh: Chúng ta xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra. Quy trình đào tạo theo hướng CDIO được thiết kế một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều ngành đào tạo khác nhau tại khoa.

CDIO là cách tiếp cận gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới và đặc biệt hoàn toàn phù hợp với các khối ngành kỹ thuật. Vì vậy, theo chủ trương của Nhà trường trong thời gian tới, Khoa sẽ triển khai xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO cho ngành Điện-Điện tử và lập kế hoạch triển khai cho toàn khoa.

Việc hiểu rõ về triết lý đào tạo này sẽ giúp cho giảng viên yên tâm truyền đạt kiến thức cho sinh viên hiệu quả hơn, việc kết hợp giữa triết lý đào tạo với thực tế làm việc từ doanh nghiệp giúp cho sinh viên có cái nhìn tổng quát, hiệu quả hơn trong quá trình học tập.

Khắc Quốc – Đan Thanh