Hội thảo khoa học: Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở Nam Bộ trong tình hình hiện nay

0
120

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở Nam Bộ trong tình hình hiện nay
Thứ tư, 23 Tháng 11 2016 16:19
(TVU) – Ngày 21.11, Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở Nam Bộ trong tình hình hiện nay” đã khai mạc tại Hội trường Khoa Ngôn ngữ, Văn hóa, Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường ĐH Trà Vinh. Hội thảo thu hút trên 300 đại biểu là những nhà khoa học, nghiên cứu sinh, giảng viên, học viên cao học đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh.


PGS TS Phạm Thu Yến nói “ĐH Trà Vinh có nhiều học viên từ các tỉnh Bắc, Trung, Nam đến học tập, nghiên cứu, cho thấy trường không chỉ là một trường đại học tỉnh lẻ mà đã phát triển ở tầm khu vực.”

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Việc nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở Nam Bộ luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Mục tiêu hướng tới của hội thảo lần này nhằm cung cấp luận cứ khoa học hướng tới đổi mới chương trình sách giáo khoa Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực người học, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ Ngữ văn.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh cho hay “Chúng tôi sẽ tập trung thảo luận, nêu bật những vấn đề mang tính thời sự trong nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở Nam Bộ như: Tìm hiểu diện mạo, đặc điểm, vai trò của văn học các dân tộc ở Nam Bộ, đánh giá các mô hình giáo dục Ngữ văn, xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn mới, phương pháp dạy học Ngữ văn nói chung, Ngữ văn địa phương nói riêng, thực trạng dạy học Ngữ văn Khmer ở các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và truyền thống ở Nam Bộ, các phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá Ngữ văn nói chung, Ngữ văn Khmer nói riêng, nhất là đặc điểm của tiếng Việt, tiếng Khmer ở Nam Bộ.”

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, tiếp nhận trên 60 bài tham luận, Ban tổ chức tuyển chọn 54 bài đăng kỷ yếu và chọn ra 05 bài để thảo luận tại hội thảo. Nhiều tham luận đã đề xuất vào các vấn đề còn ít được nhắc đến như các vấn đề về dạy học tích hợp Ngữ văn địa phương trong chương trình Ngữ văn chung, địa phương hóa để phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh địa phương, các quan niệm về đọc, mục tiêu dạy đọc và mô hình dạy đọc, tìm hiểu đặc điểm văn học Bà la môn và văn học Phật giáo, tìm ra quy luật phát triển của văn học Nam Bộ,…

Kết quả hội thảo góp phần làm rõ và tôn vinh các giá trị nội dung, nghệ thuật, sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật của các tác giả, các nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ ở Nam Bộ, khẳng định văn học Nam Bộ là nền văn học nhân văn, mang tư tưởng tiến bộ của thời đại, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời luôn hướng đến tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm mới chính mình và hội nhập quốc tế.

HS