Làm giàu từ trái dừa sáp ở Trà Vinh

0
299

Nguồn: Báo Mới

Trà Vinh là một tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số một triệu người dân, cùng với những dân tộc khác, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 31%. Những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh từng bước ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, phần nào nhờ vào giá trị kinh tế của dừa sáp.


Ông Thạch Phu My bên cây dừa sáp vườn nhà. Ảnh: Thúy Hạnh

Nói đến Trà Vinh, không thể không nhắc tới đặc sản trứ danh mang tên dừa sáp. Do đó, đến Trà Vinh mà không thưởng thức dừa sáp là coi như chưa đến Trà Vinh. Dừa sáp bắt đầu được trồng từ khi nhà sư người Khmer là Hòa thượng Thạch Sô sang Campuchia, đã mang giống dừa sáp về trồng ở huyện Cầu Kè. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, nên dừa đã cho trái sáp và trở thành một đặc sản chỉ có riêng ở Trà Vinh.

Nhìn bên ngoài, dừa sáp cũng giống như những trái dừa bình thường khác. Tuy nhiên, tập trung bên trong lớp cơm dừa sáp dày cộm, vừa giòn, vừa mềm dẻo chiếm gần hết trái với một ít nước dừa đặc, lại trong veo như keo. Một buồng dừa có hơn 10 quả thì chỉ có 2-3 quả dừa sáp, vậy là “sai” quả rồi. Dừa sáp có thể chế biến thành sinh tố, kem, mứt… rất thơm ngon và lạ miệng. Đồng thời, dừa sáp còn có thể chế biến thành mỹ phẩm như kem dưỡng da, xà bông. Đặc biệt là, dù được trồng khá rộng rãi và phổ biến trong tỉnh, nhưng khi đem cây dừa sáp ra vùng khác trồng, thì dừa không cho trái sáp nữa.

Chính vì thế, dừa sáp Trà Vinh đã trở thành độc đáo và quý hiếm, hút hàng và trở thành nguồn thu nhập chính. Hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần dừa thường không chỉ đem đến cuộc sống ổn định, mà còn giúp cho nhiều hộ dân người Khmer ở địa phương có cuộc sống sung túc. Riêng xã Tân Hòa, huyện Cầu Kè được mệnh danh là “làng triệu phú dừa sáp” với hơn 100 xã viên hợp tác xã.

Dừa sáp được trồng chủ yếu tại các ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, như Chông Nô 1, Chông Nô 2, Chông Nô 3 thuộc xã Hòa Tân. Do chưa hiểu rõ giá trị của dừa sáp, nên những cây dừa nào ra trái sáp thường bị người dân đốn bỏ. Ông Thạch Phu My, Chủ tịch Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân ở ấp Chông Nô 3 kể lại nguyên nhân khiến dừa sáp bị loại bỏ: “Trước những năm 2000, người dân trồng dừa chủ yếu để lấy nước và cơm dừa làm mứt, mà cơm dừa sáp lại dẻo quá, không phơi làm mứt được, ăn thì quá béo, dễ ngán”. Giờ đây, giá trị thương phẩm của dừa sáp rất cao. Một trái dừa sáp có giá trị bằng 70 trái dừa thường, trung bình từ 120.000 đến 200.000 đồng/trái, tùy theo chất lượng và thể tích trọng lượng trái. Một cây dừa sáp sai quả, mỗi năm có thể bán tới hơn chục triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Một hộ dân trồng dừa sáp chia sẻ: “Trước kia, vườn dừa để trống không, trống hoác chẳng ai thèm ngó, nhưng giờ giá trị cả trăm ngàn một trái dừa sáp, nên nhiều người trồng dừa đã phải làm hàng rào, nếu không dễ bị mất trộm”.

Từ một loại cây tưởng chừng như không có giá trị kinh tế ở vùng thôn quê, nông dân đem chặt bỏ khi dừa ra sáp, nhưng khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa việc trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa sáp, tỉnh Trà Vinh đã biến cây bị đốn bỏ thành đặc sản OCOP, hướng đến thị trường xuất khẩu. Dừa sáp được phát triển mạnh mẽ với 750ha, chủ yếu ở huyện Cầu Kè. Hiện nay, tỉnh đã có 21 sản phẩm OCOP từ dừa đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Trong đó, có 9 sản phẩm được chế biến từ dừa sáp. Vùng nguyên liệu dừa sáp của tỉnh có khả năng cung ứng ra thị trường hơn 2,3 triệu trái sáp/năm, 70ha được các nhà vườn trong tỉnh trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng tỷ lệ sáp trên mỗi buồng dừa.

Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu, thực hiện thành công giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô, thích nghi tốt trong quá trình biến đổi khí hậu, nhất là có khả năng chịu phèn, chịu mặn, có tỷ lệ sáp lên đến 90%. Nhờ lợi thế ứng dụng công nghệ kỹ thuật đã mở ra hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị cho mỗi giống cây dừa sáp. Mỗi cây giống dừa sáp được bán với giá khoảng 800.000 đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai đăng ký Dự án bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho dừa sáp từ tháng 8/2023, với thời gian thực hiện dự án là 24 tháng, tổng kinh phí gần 1,6 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Đông cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với các sở, ban, ngành ở địa phương có liên quan, tập trung thực hiện các giải pháp, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ trồng dừa. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức cũng như cá nhân tiếp cận các chính sách từ Trung ương tới địa phương trong khâu sản xuất, kinh doanh, chế biến, chứng nhận và đánh giá việc quản lý vùng dừa của tỉnh, trên cơ sở chuyển đổi số, nhằm minh bạch thông tin trong việc giao dịch mua bán. Chúng tôi đang tận dụng sự phát triển khoa học công nghệ, nhất là các kênh thông tin tuyên truyền để triển khai bán hàng, quảng bá những sản phẩm đặc trưng của mảnh đất Trà Vinh”.

Ông Đông cũng cho biết thêm: “Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị của dừa sáp, giai đoạn 2022-2025, chúng tôi phấn đấu đạt năng suất 16 tấn/ha. Trong đó, có ít nhất 8.000ha dừa sẽ hợp tác cùng với ít nhất 10 doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ theo chuỗi sản xuất dừa có giá trị cao. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dừa sáp khoảng 5.000ha và khuyến khích nhà vườn trồng dừa sáp cấy mô, thay “màu áo” mới cho dừa sáp để sản phẩm được vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế.

Thúy Hạnh