Hội thảo khoa học quốc tế: Đòn bẩy thị trường tín chỉ carbon trong phát triển bền vững tại Việt Nam

0
154

(TVU) – Hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên về tín chỉ carbon tại Việt Nam do Trường Đại học Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Ngoại Thương và Diễn đàn Khoa học Việt Nam về Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững (VSF-CCSD) tổ chức vào ngày 28/3/2024 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại ĐH Trà Vinh.

Thị trường tín chỉ carbon tập trung vào nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, v.v. Tuy nhiên, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và xã hội ít biết đến. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác mang đến thách thức lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

Với chủ đề cơ bản này, Hội thảo về Đòn bẩy thị trường tín chỉ carbon trong phát triển bền vững tại Việt Nam là diễn đàn giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ, trao đổi các xu hướng tiếp cận, tiềm năng và thách thức trong bối cảnh thị trường Tín chỉ Carbon (Carbon credits) tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và chưa được xã hội biết đến.

Hội thảo với sự tham gia của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, các diễn giả đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các viện, trường đại học trong và ngoài nước như: Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế), tổ chức MangLub Social Enterprise Vietnam, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Ngoại thương, Diễn đàn Khoa học Việt Nam về Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững (VSF-CCSD),…

Tín chỉ carbon được tạo ra với ý tưởng tạo động lực tài chính để giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Các cá nhân, công ty và chính phủ có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải nhà kính hoặc bán chúng để thu được lợi ích tài chính.

Tín dụng carbon lần đầu tiên được nêu trong Nghị định thư Kyoto vào năm 1997 và có hiệu lực vào năm 2005. Kể từ đó, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đã phát triển nhanh chóng và đạt 3 tỷ USD vào năm 2020.

Để đạt được chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và tận dụng lợi thế tài chính từ thị trường tín chỉ carbon toàn cầu để phát triển bền vững đất nước, Việt Nam đã và đang hướng tới xây dựng thị trường tín chỉ carbon quốc gia đến năm 2025, hướng tới xuất khẩu tín chỉ carbon vào năm 2027.

Xem chương trình hội thảo tại đây
Website chính thức của Hội thảo: https://www.carboncreditsconference.com/

Thanh Sơn