Tọa đàm đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo Co-op và định hướng phát triển

0
369

Vừa qua, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức tọa đàm “Đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo Co-op và định hướng phát triển”, nhằm tổng kết quá trình triển khai chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp (Co-op) trong những năm qua và xây dựng định hướng phát triển chương trình đào tạo Co-op cho các ngành còn lại.  

Tham dự toạ đàm có đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp: Công ty TNHH CJ Vina Agri; Công ty Cổ phần Thái Việt Corporation; Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; Công ty TNHH Công nghệ Tanixa; Công ty TNHH Green Farm Trà Vinh; Công ty TNHH giày da Mỹ Phong; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam; Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Trà Vinh; Công ty Cổ phần Mỹ Lan; Công ty TNHH Vườn Xanh TV; Công ty TNHH Thủy sản Tâm Việt; Công ty TNHH Biochem Việt Á; Công ty Syngenta; Công ty TNHH & SX Đại Nam Việt; Hệ thống chuỗi cửa hàng Vật tư Nông nghiệp Nông Thịnh và Phòng khám Thú y – Như.

Về phía Trường Đại học Trà Vinh có TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn; ông Lê Văn Dờn, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn; PGS.TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo phòng, khoa, trung tâm và các thầy cô, các điều phối viên Co-op và sinh viên Co-op cùng tham dự.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Diệp Thanh Tùng chia sẻ: Xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình Co-op là một trong những điểm nhấn của Trường Đại học Trà Vinh trong nhiều năm qua, mang lại lợi ích to lớn cho 3 bên: Sinh viên -Nhà trường – Doanh nghiệp. Nhân dịp này, Ban Giám hiệu mong muốn lãnh đạo các bộ môn, đơn vị có những trao đổi cùng với các doanh nghiệp, cũng như có sự tham gia của người học để cùng thiết kế chương trình cho phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc và thách thức gặp phải.

Thông qua toạ đàm, các doanh nghiệp có những ý kiến đề xuất nhằm tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo chương trình Co-op. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản hồi của sinh viên, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà các em gặp phải để cùng tháo gỡ trong quá trình thực tập Co-op tại doanh nghiệp. Từ đó, Trường Đại học Trà Vinh sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm và tiếp tục triển khai, nhân rộng hơn đối với các chương trình còn lại trong thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, đại diện điều phối viên Co-op cùng chia sẻ về những lợi ích, khó khăn trong quá trình triển khai chương trình thông qua các tham luận: “Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động Co-op của Trường trong thời gian qua” do TS. Tiêu Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Học liệu – Phát triển Dạy và Học; “Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động Co-op của ngành Nuôi trồng thủy sản” do ThS. Diệp Thành Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản, Kiêm Phó Trưởng Bộ môn Nông nghiệp Thủy sản và “Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động Co-op của ngành Thú y” do ThS. Nguyễn Thị Anh Thư, Phó Trưởng Bộ môn Chăn nuôi – Thú y.

Ông Lê Anh Khoa, phụ trách bộ phận nhân sự của Công ty TNHH CJ Vina Agri đánh giá cao chương trình đào tạo Co-op của Trường Đại học Trà Vinh cũng như kỹ năng chuyên môn, khả năng làm việc thích nghi với môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp và thái độ tích cực học hỏi trong công việc.

Sinh viên Lý Minh Thuận, lớp Đại học Thú y 2018 chia sẻ, Co-op giúp em trau dồi kiến thức, kinh nghiệm làm việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại đơn vị thực tập cùng với đó rèn luyện các kỹ năng trong môi trường làm việc thực tế tạo cơ hội thuận lợi cho em khi tốt nghiệp ra trường.

Dịp này, Công ty TNHH CJ Vina Agri và Công ty TNHH & SX Đại Nam Việt trao 31 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho sinh viên ngành thú y nhằm tiếp thêm động lực giúp các em có thêm tinh thần vượt khó trong học tập.

Hạnh Nguyên – Hàn Vu

VĐ-HH